Trong thai kỳ, cường giáp thường là kết quả của bệnh Graves. Nếu không được điều trị, cường giáp có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như chuyển dạ sớm và thai chết lưu.
Cường giáp trong thai kỳ rất hiếm gặp, ảnh hưởng đến khoảng 1–4 trong số 1.000 người trong thời kỳ mang thai. Chẩn đoán và điều trị sớm và chính xác đặc biệt quan trọng đối với những người bị cường giáp trong khi mang thai để giúp tránh các biến chứng nghiêm trọng như sinh non, tăng huyết áp ở mẹ và các biến chứng khác.
Sau đây là những điều bạn cần biết về tình trạng cường giáp trong thai kỳ.
Cường giáp khi mang thai có nghĩa là gì?
Cường giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone giáp. Hormone giáp dư thừa có thể đẩy nhanh các quá trình của cơ thể và gây áp lực lên cơ thể.
Trong thai kỳ, thai nhi phụ thuộc vào hormone do tuyến giáp của mẹ sản xuất trong 18–20 tuần đầu tiên. Nồng độ hormone giáp ổn định từ mẹ rất quan trọng trong việc phát triển hệ thần kinh và não của bé. Ở giai đoạn sau của thai kỳ, lượng hormone giáp dư thừa từ mẹ có thể dẫn đến cường giáp ở thai nhi và các biến chứng khác.
Các triệu chứng của cường giáp trong thai kỳ là gì?
Các dấu hiệu của cường giáp trong thai kỳ có thể bao gồm:
- Nhịp tim không đều hoặc nhanh
- Run tay
- Mệt mỏi
- Lo lắng và mất ngủ
- Không thể tăng cân như mong muốn hoặc sụt cân
Nguyên nhân gây ra cường giáp trong thai kỳ là gì?
Cường giáp trong thai kỳ thường là kết quả của một bệnh tự miễn dịch gọi là bệnh Graves. Ở những người mắc bệnh Graves, các kháng thể khiến tuyến giáp sản xuất thêm hormone giáp.
Trong những trường hợp hiếm gặp hơn, tình trạng nghén nặng hoặc các nang ở tuyến giáp có thể là do cường giáp khi mang thai.
Ai có nguy cơ mắc cường giáp trong thai kỳ?
Những người có thể có nguy cơ mắc cường giáp cao hơn khi mang thai nếu họ có:
- một tình trạng bệnh lý tuyến giáp trước đó đang được điều trị
- thai kỳ trước đã mắc bệnh lý tuyến giáp
- đã từng sinh con bị bệnh lý tuyến giáp
- một rối loạn tự miễn dịch
- bệnh tiểu đường típ 1
Các biến chứng của cường giáp trong thai kỳ là gì?
Các biến chứng có thể xảy ra của cường giáp không được điều trị trong thai kỳ đối với người mẹ bao gồm:
- tiền sản giật
- tăng huyết áp
- bong nhau thai
- suy tim
- cơn bão giáp
Các biến chứng có thể xảy ra ở con bao gồm:
- sinh non
- bệnh lý tuyến giáp
- bướu giáp
- cân nặng lúc sinh thấp
Mặc dù hiếm gặp, nhưng cường giáp không được kiểm soát trong thai kỳ có thể dẫn đến sảy thai hoặc thai chết lưu.
Phương pháp điều trị cường giáp trong thai kỳ là gì?
Bác sĩ kê đơn thuốc kháng giáp như propylthiouracil và methimazole để điều trị cường giáp trong thai kỳ.
Trong một số trường hợp hiếm hoi khi một cá nhân bị dị ứng với thuốc hoặc có bướu giáp, có thể cần phẫu thuật, nhưng trong hầu hết các trường hợp, phẫu thuật không được ưu tiên.
Các trường hợp cường giáp trong thai kỳ liên quan đến nôn nghén có thể chỉ cần điều trị tình trạng mất nước và nôn ói.
Tiên lượng cho những người bị cường giáp trong thai kỳ là gì?
Cường giáp trong thai kỳ được coi là tình trạng nguy cơ cao. Điều quan trọng là phải theo dõi sát mẹ và bé trong suốt thời kỳ mang thai và sau sinh.
Cường giáp không được kiểm soát có thể gây hại đáng kể cho mẹ và bé, vì vậy những người có yếu tố nguy cơ hoặc có các triệu chứng nên được xét nghiệm và bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt.
Cường giáp trong thai kỳ được chẩn đoán như thế nào?
Nếu bạn có các triệu chứng của cường giáp, bác sĩ có thể tiến hành khám và làm xét nghiệm máu để xác định lượng hormone giáp và hormone kích thích tuyến giáp.
Bạn có thể ngăn ngừa cường giáp trong thai kỳ không?
Để đảm bảo tuyến giáp hoạt động tốt trong thai kỳ, bạn sẽ cần bổ sung thêm iốt. Bạn nên trao đổi với bác sĩ để đảm bảo chế độ ăn uống và thực phẩm bổ sung cung cấp đủ lượng iốt cần thiết để hỗ trợ bạn và em bé đang phát triển.
Nhiều bệnh di truyền và rối loạn tự miễn dịch dẫn đến cường giáp khi mang thai không thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, việc điều trị các tình trạng bệnh đã biết và lựa chọn lối sống lành mạnh có thể hữu ích cho sức khỏe chung, bao gồm cả tuyến giáp.
Những câu hỏi thường gặp
Cường giáp có cải thiện sau khi mẹ sinh con không?
Cường giáp có thể không cải thiện sau khi em bé chào đời. Phụ nữ mắc bệnh Graves có thể thấy tình trạng cải thiện trong tam cá nguyệt thứ ba, nhưng tình trạng có thể trở nên tồi tệ hơn trong thời kỳ hậu sản.
Một bà mẹ mắc bệnh Graves có thể cho con bú không?
Nhiều bà mẹ sinh con có thể cho con bú an toàn khi dùng thuốc kháng giáp, mặc dù một số hormone có thể đi qua sữa mẹ. Hãy trao đổi với bác sĩ về sự an toàn của việc cho con bú khi bạn đang dùng thuốc.
Suy giáp có nguy hiểm khi mang thai không?
Mặc dù suy giáp là tình trạng ngược lại với cường giáp, nhưng nếu không được kiểm soát, cả hai đều có thể gây sảy thai hoặc thai chết lưu. Điều quan trọng là phải trao đổi với bác sĩ nếu bạn nghĩ rằng mình có các triệu chứng của một trong hai tình trạng này trong khi mang thai.
Tóm lại,
Cường giáp là tình trạng tuyến giáp của bạn sản xuất quá nhiều hormone giáp. Trong thai kỳ, tình trạng này thường là kết quả của bệnh Graves và có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu.
Nếu bạn bị cường giáp trong thời kỳ mang thai, việc điều trị là cần thiết để giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng mẹ và em bé. Điều quan trọng là phải cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của cường giáp.
Sau khi mang thai, bạn vẫn có thể cần dùng thuốc để điều trị cường giáp, tùy thuộc vào nguyên nhân.