XUẤT HUYẾT GIẢM TIỂU CẦU MIỄN DỊCH

Tổng quan

Giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP) là một tình trạng bệnh lý có thể gây ra các mảng bầm và xuất huyết. Số lượng ít các tế bào có vai trò cầm máu, còn được gọi là tiểu cầu, thường gây chảy máu. Từng được gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, ITP có thể gây ra vết bầm tím. Nó cũng gây ra những chấm nhỏ màu đỏ tím trên da trông giống như phát ban.

Trẻ em có thể bị ITP sau khi bị nhiễm vi-rút. Chúng thường tự hồi phục mà không cần điều trị. Ở người lớn, bệnh thường kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Những người mắc ITP không chảy máu và số lượng tiểu cầu không quá thấp có thể không cần điều trị. Đối với các triệu chứng nặng nề hơn, việc điều trị có thể bao gồm dùng thuốc để tăng số lượng tiểu cầu hoặc phẫu thuật cắt bỏ lá lách.

Triệu chứng

Giảm tiểu cầu miễn dịch có thể không có triệu chứng. Khi các triệu chứng xảy ra, chúng có thể bao gồm:

  • Dễ bầm tím.
  • Xuất huyết da trông giống như những chấm nhỏ màu đỏ tím, còn được gọi là chấm xuất huyết. Chấm xuất huyết chủ yếu xuất hiện ở chân. Chúng trông giống như phát ban.
  • Chảy máu ở vùng da lớn hơn chấm xuất huyết, còn được gọi là mảng xuất huyết.
  • Chảy máu từ nướu hoặc mũi.
  • Máu trong nước tiểu hoặc phân.
  • Kinh nguyệt ra rất nhiều.

Khi nào cần đi khám bác sĩ
Hẹn gặp bác sĩ nếu bạn hoặc con bạn có các triệu chứng gây lo lắng. Chảy máu không ngừng là một trường hợp cấp cứu y tế. Tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức nếu bạn hoặc con bạn bị chảy máu mà các biện pháp sơ cứu thông thường không thể kiểm soát được. Điều này bao gồm việc đè ép lên vị trí chảy máu.

Nguyên nhân
Giảm tiểu cầu miễn dịch thường xảy ra khi hệ thống miễn dịch mắc lỗi. Nó tấn công và phá hủy các tế bào đông cầm máu, còn được gọi là tiểu cầu.

Ở người lớn, nhiễm HIV, viêm gan hoặc vi khuẩn gây loét dạ dày, được gọi là H. pylori, có thể gây ra ITP. Ở hầu hết trẻ em mắc ITP, bệnh này xảy ra sau nhiễm một loại vi-rút, chẳng hạn như quai bị hoặc cúm.

Các yếu tố nguy cơ
ITP phổ biến hơn ở phụ nữ trẻ. Nguy cơ dường như cao hơn ở những người mắc các bệnh khác trong đó hệ thống miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh lupus.

Biến chứng
Hiếm khi, giảm tiểu cầu miễn dịch gây xuất huyết não. Điều này có thể gây tử vong.

Những người đang mang thai có số lượng tiểu cầu thấp hoặc đang bị chảy máu có nguy cơ bị chảy máu nhiều hơn khi sinh. Bác sĩ có thể đề nghị điều trị để giữ số lượng tiểu cầu ở mức an toàn. ITP thường không ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, số lượng tiểu cầu của em bé cần được kiểm tra ngay sau khi sinh.

Chẩn đoán
Để chẩn đoán giảm tiểu cầu miễn dịch, bác sĩ sẽ cố gắng loại trừ các nguyên nhân có thể gây chảy máu khác và số lượng tiểu cầu thấp.

Không có xét nghiệm nào có thể chẩn đoán xác định. Xét nghiệm máu có thể kiểm tra mức độ giảm tiểu cầu. Hiếm khi người lớn có thể cần sinh thiết tủy xương để loại trừ các vấn đề khác.

Điều trị
Những người bị giảm tiểu cầu miễn dịch nhẹ có thể chỉ cần kiểm tra số lượng tiểu cầu thường xuyên. Trẻ em thường cải thiện mà không cần điều trị. Hầu hết người lớn mắc ITP sẽ cần điều trị vào một thời điểm nào đó. Tình trạng thường nặng hơn hoặc kéo dài, còn gọi là mãn tính.

Điều trị có thể bao gồm các loại thuốc để tăng số lượng tiểu cầu hoặc phẫu thuật cắt bỏ lá lách, được gọi là cắt lách. Bác sĩ sẽ từ vấn về những ưu và nhược điểm của các lựa chọn điều trị. Một số người nhận thấy tác dụng phụ của việc điều trị còn tệ hơn cả căn bệnh này.

Thuốc
Đảm bảo bác sĩ điều trị biết về các loại thuốc hoặc chất bổ sung bạn dùng mà không cần kê đơn. Bạn có thể cần phải ngừng sử dụng bất kỳ loại thuốc nào có thể làm tăng chảy máu. Ví dụ bao gồm aspirin, ibuprofen và ginkgo biloba.

Thuốc điều trị ITP có thể bao gồm:

    • Steroid. Bác sĩ thường sử dụng corticosteroid đường uống, chẳng hạn như prednisone. Khi số lượng tiểu cầu trở lại mức an toàn, bác sĩ sẽ cắt giảm lượng thuốc từng chút một. Sử dụng lâu dài các loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, đường huyết cao và loãng xương.
    • Globulin miễn dịch. Nếu corticosteroid không có tác dụng, có thể truyền globulin miễn dịch. Thuốc này cũng điều trị xuất huyết nặng hoặc tăng lượng máu nhanh chóng trước khi phẫu thuật. Hiệu quả thường biến mất sau một vài tuần.
    • Thuốc làm tăng tiểu cầu. Các loại thuốc như romiplostim (Nplate), eltrombopag (Promacta) và avatrombopag (Doptelet) giúp tủy xương tạo ra nhiều tiểu cầu hơn. Những loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ đông máu.
    • Các loại thuốc khác. Rituximab (Rituxan, Ruxience, Truxima) giúp tăng số lượng tiểu cầu bằng cách ức chế phản ứng của hệ miễn dịch gây phá hủy cho chúng. Nhưng loại thuốc này cũng có thể khiến việc tiêm chủng không đạt hiệu quả tốt. Phẫu thuật cắt bỏ lá lách sau này có thể làm tăng nhu cầu bảo vệ chống lại bệnh tật mà tiêm chủng mang lại.

Fostamatinib (Tavalisse) là một loại thuốc mới hơn được phê duyệt cho những người mắc ITP kéo dài không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.

Phẫu thuật
Nếu thuốc không làm ITP tốt hơn, phẫu thuật cắt bỏ lách có thể là bước tiếp theo. Khi có hiệu quả, phẫu thuật này nhanh chóng chấm dứt các cuộc tấn công vào tiểu cầu và cải thiện số lượng tiểu cầu.

Nhưng việc cắt bỏ lách không có tác dụng với tất cả mọi người. Và không có lách sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Điều trị cấp cứu
Hiếm khi, ITP có thể gây xuất huyết nhiều. Điều trị cấp cứu thường bao gồm việc truyền máu có chứa nhiều tiểu cầu. Phối hợp steroid và globulin miễn dịch chích tĩnh mạch.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *