SƠ CỨU ĐỘT QUỴ

Nếu bạn hoặc người khác bị đột quỵ, bước đầu tiên là gọi cấp cứu ngay lập tức. Sau đó, bạn có thể thực hiện sơ cứu, chẳng hạn như CPR, nếu cần. Trong cơn đột quỵ, thời gian là điều cốt yếu. Điều trị nhanh chóng có thể làm giảm nguy cơ tử vong hoặc tàn tật lâu dài.

Phải làm gì nếu ai đó bị đột quỵ
Nếu bạn nghĩ rằng bạn hoặc ai đó xung quanh có khả năng bị đột quỵ, hãy làm theo các bước sau:

  • Gọi xe cấp cứu: Nếu bạn nhận ra các triệu chứng đột quỵ, hãy gọi cấp cứu 115 hoặc nhờ người khác gọi giúp bạn. Giữ bình tĩnh nhất có thể trong khi chờ đợi sự trợ giúp.
  • Đưa họ vào vị trí an toàn: Nếu bạn trông thấy người khác bị đột quỵ, hãy đảm bảo họ ở vị trí an toàn, thoải mái. Nếu có thể, hãy đặt họ nằm nghiêng, đầu hơi ngẩng lên.
  • Kiểm tra xem họ có thở không: Nếu họ ngưng thở, hãy thực hiện ấn tim ngoài lồng ngực hoặc hô hấp nhân tạo. Nếu họ khó thở, hãy nới lỏng mọi trang phục bó sát, chẳng hạn như cà vạt hoặc khăn quàng cổ.
  • Kiểm tra xem người bệnh có chảy máu không: Nếu họ chảy máu do bị ngã, hãy dùng vải sạch đè lên vết thương.
  • Quan sát cẩn thận để biết bất kỳ thay đổi nào: thông báo cho cấp cứu viên về các triệu chứng của bệnh nhân và thời điểm triệu chứng khởi phát. Hãy nhớ đề cập nếu người đó bị ngã hoặc bị đập đầu.
  • Bình tĩnh: Nói chuyện một cách bình tĩnh, trấn an người bệnh.
  • Phòng ngừa sặc: Không cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất cứ thứ gì.

Tư thế hồi phục cho người bị đột quỵ

Nếu bệnh nhân bất tỉnh hoặc nếu đường thở của họ không thông thoáng, hãy đặt họ ở tư thế hồi phục. Để làm điều này:

    • Quỳ xuống bên cạnh bệnh nhân.
    • Lấy cánh tay ở xa nhất và đặt nó vuông góc với cơ thể.
    • Đặt cánh tay còn lại ngang ngực.
    • Chân nào ở xa nhất phải giữ thẳng. Cong đầu gối chân còn lại.
    • Hỗ trợ đầu và cổ, lăn người nằm nghiêng bên sao cho chân dưới thẳng và chân trên gập ở gối với gối chạm đất.
    • Nghiêng đầu về phía trước và xuống một chút để chất nôn trong đường thở có thể ra ngoài.
    • Làm sạch miệng bằng tay, nếu cần thiết.

NHẬN BIẾT CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA ĐỘT QUỴ

Các triệu chứng có thể kín đáo hoặc nghiêm trọng tùy thuộc vào mức độ nặng của cơn đột quỵ. Trước khi có thể giúp đỡ, bạn cần biết những điểm cần chú ý. Để kiểm tra các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ, hãy ghi nhớ “FAST”, viết tắt của:

  • F (face – lệch mặt): Mặt bị xệ xuống hoặc lệch một bên, méo miệng.
  • A (arm – yếu liệt tay): Bạn có thể yêu cầu người đó giơ tay lên và nếu cánh tay rơi xuống ngay lập tức hoặc không giữ vững thì đó có thể là dấu hiệu của cơn đột quỵ.
  • S (speech – rối loạn ngôn ngữ): Yêu cầu người đó lặp lại một số từ. Nếu họ nói lắp hoặc đớ có thể là dấu hiệu người đó đang bị đột quỵ.
  • T (time – gọi cấp cứu ngay lập tức)

Các triệu chứng khác của đột quỵ bao gồm:

  • nhìn mờ hoặc mất thị lực, đặc biệt xuất hiện chỉ ở một mắt
  • yếu hoặc tê, thường ở một bên cơ thể
  • buồn nôn
  • tiêu tiểu không tự chủ
  • chóng mặt hoặc choáng váng
  • mất thăng bằng
  • ngất xỉu
  • nhức đầu đột ngột, dữ dội (đột quỵ xuất huyết não)
    Ngay cả khi một người chỉ có một hoặc hai trong số các triệu chứng này hoặc các triệu chứng của họ có vẻ nhẹ hoặc khó nhận thấy, tốt nhất bạn nên gọi cấp cứu ngay lập tức. Sự chậm trễ có thể ảnh hưởng đến phương pháp điều trị và làm tăng nguy cơ tàn tật.

Theo hướng dẫn của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) và Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ (ASA), các chuyên gia y tế có thể sử dụng thuốc làm tan cục máu đông trong vòng 4,5 giờ và loại bỏ cục máu đông bằng biện pháp cơ học trong vòng 24 giờ sau khi bắt đầu có triệu chứng đột quỵ.

Quá trình phục hồi sau đột quỵ
Sau khi sơ cứu và điều trị, quá trình phục hồi sau đột quỵ sẽ khác nhau. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như thời gian được tiếp nhận điều trị hoặc người đó có mắc các bệnh lý khác hay không.

Đột quỵ có thể làm não mất oxy và khiến các tế bào não chết. Thời gian tới lúc được điều trị kéo dài hơn có thể làm tăng khả năng tàn tật.

Giai đoạn phục hồi đầu tiên được gọi là chăm sóc cấp tính. Nó diễn ra trong bệnh viện. Ở giai đoạn này, tình trạng bệnh được bác sĩ đánh giá, ổn định và điều trị. Nhiều người bị đột quỵ phải nằm viện tới một tuần.

Phục hồi chức năng thường là giai đoạn tiếp theo của quá trình phục hồi sau đột quỵ. Nó có thể diễn ra trong bệnh viện hoặc trung tâm phục hồi chức năng nội trú. Nếu biến chứng đột quỵ không nghiêm trọng, việc phục hồi chức năng có thể được tiến hành ngoại trú.

Mục tiêu của việc phục hồi chức năng phụ thuộc vào các triệu chứng của bệnh nhân, nhưng thường bao gồm:

  • tăng cường khả năng vận động
  • hạn chế sử dụng chi không bị ảnh hưởng để khuyến khích khả năng vận động ở chi bị ảnh hưởng

Bạn cũng có thể có các liệu pháp khác, tùy thuộc vào triệu chứng, ví dụ như ngôn ngữ trị liệu.

Tóm lại,

Cấp cứu kịp thời có thể giúp giảm nguy cơ tàn tật sau đột quỵ. ASA khuyến cao nếu có thể, nên gọi xe cấp cứu thay vì chở người bệnh đến bệnh viện, vì điều này cho phép họ được chăm sóc khẩn cấp trên đường đến bệnh viện.

Sau khi gọi cấp cứu, bạn có thể đưa người đó vào vị trí an toàn và thực hiện sơ cứu nếu cần cho đến khi xe cứu thương đến.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *