Hầu hết các khối u ở vú đều lành tính. Một khối u vú lành tính thường mềm và có hình dạng xác định. Nhưng không thể biết liệu khối u có lành tính hay không nếu chỉ dựa trên cảm giác khi sờ nó. Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn phát hiện một khối u mới.
Khối u vú khá phổ biến và có nhiều lý do. Thông thường, khối u vú là lành tính, có nghĩa là nó không phải ung thư. Nhiều tình trạng khác nhau có thể gây ra khối u ở vú và mọi người thường không cần điều trị khối u lành tính. Tuy nhiên, không dễ để biết khối u vú là lành tính hay ung thư nếu không đánh giá kỹ lưỡng. Dưới đây, chúng tôi đề cập đến nhiều chi tiết hơn về các khối u lành tính ở vú, bao gồm cảm giác khi sờ, nguyên nhân và cách nhận biết chúng có lành tính hay không.
Khối u vú lành tính có cảm giác như thế nào?
Việc tự kiểm tra không phải lúc nào cũng rõ ràng liệu khối u ở vú là lành tính hay ung thư. Tuy nhiên, có một số khác biệt nhỏ có thể chỉ ra một khối u vú lành tính.
Một khối u vú lành tính có thể có cảm giác khác nhau khi chạm vào, tùy thuộc vào nguyên nhân. Ví dụ:
sờ cảm giác từ mềm đến chắc
– đàn hồi
– có thể di động được
– hình dạng tròn hoặc hình bầu dục với ranh giới rõ
– cảm giác đau khi chạm vào
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), các khối u ác tính có nhiều khả năng không đau và có cảm giác cứng với các cạnh không đều. Tuy nhiên, ACS cũng lưu ý rằng nó cũng có thể cảm thấy đau, mềm hoặc tròn. Vì lý do này, điều quan trọng là bạn phải đến gặp bác sĩ để phát hiện bất kỳ khối u vú mới nào mà bạn tìm thấy khi tự khám. Họ có thể làm các xét nghiệm sâu hơn để giúp xác định xem khối u của bạn là lành tính hay ung thư.
Làm thế nào bạn có thể biết khối u vú là lành tính?
Nhiều tình trạng vú lành tính gây ra các khối u ở vú có liên quan đến tình trạng đau hoặc căng tức. Ngược lại, ung thư vú ít gây đau hơn.
Khi bạn gặp bác sĩ, họ sẽ xem xét bệnh sử của bạn. Họ có thể sẽ hỏi về:
– lần đầu tiên nhận thấy khối u
– bất kỳ thay đổi đáng chú ý nào đối với khối u, chẳng hạn như tăng kích thước
– bất kỳ triệu chứng nào khác kèm theo, chẳng hạn như tiết dịch ở núm vú hoặc thay đổi da ở vú hoặc núm vú
– tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc bệnh ung thư vú hay không
– loại thuốc bạn đang dùng
Sau đó, bác sĩ sẽ khám vú để đánh giá cả hai vú của bạn. Họ sẽ lưu ý các đặc điểm khác nhau của khối u vú, chẳng hạn như:
– kích cỡ
– vị trí u trong vú
– tính chất, mật độ
– tính di động
Các chẩn đoán hình ảnh cũng sẽ được yêu cầu để đánh giá thêm về khối u vú, bao gồm chụp nhũ ảnh, siêu âm hoặc cả hai. Nếu hình ảnh gợi ý khối u là ung thư, sinh thiết vú có thể được thực hiện để kiểm tra một mẫu tế bào xem có sự hiện diện của ung thư hay không.
Nguyên nhân gây ra khối u vú lành tính?
Có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây ra khối u vú lành tính, bao gồm:
– nang vú, là những túi kín thường chứa đầy chất lỏng
– thay đổi u xơ vú, khi vú có các vùng mô sợi và nang
– u xơ tuyến, một loại khối u vú lành tính
– bệnh adenosis, tình trạng các tiểu thùy của vú bị to ra và có thể gây ra các khối u
– hoại tử mỡ
– khối máu tụ
Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh lành tính gây ra các khối u ở vú, một số người có thể có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Các yếu tố nguy cơ đối với những tình trạng này khác nhau tùy theo tình trạng cụ thể và một số yếu tố khác. Ví dụ: một nghiên cứu năm 2021 đã kiểm tra 61.617 phụ nữ Thụy Điển trong độ tuổi từ 40 đến 69 đã chụp nhũ ảnh để sàng lọc ung thư vú. Một số phát hiện của nó bao gồm:
– phụ nữ tiền mãn kinh có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú có nhiều khả năng mắc các bệnh vú lành tính hơn
– Phụ nữ tiền mãn kinh chưa sinh con có nguy cơ mắc u nang cao hơn so với phụ nữ có từ 3 con trở lên
– phụ nữ sau mãn kinh sử dụng liệu pháp thay thế hormone có nguy cơ mắc u nang và thay đổi u xơ cao hơn.
Khối u vú lành tính có cần cắt bỏ không?
Nhiều khối u vú được coi là lành tính không cần điều trị ngay lập tức. Khi cần điều trị, các biện pháp bao gồm:
– dùng kim để dẫn lưu các nang gây đau nhiều
– chườm nóng hoặc sử dụng thuốc không kê đơn để giảm đau
– mặc áo ngực vừa vặn, hỗ trợ để giảm khó chịu
Nếu bạn có một khối u vú lành tính chưa được cắt bỏ, bác sĩ vẫn có thể theo dõi bạn định kỳ để đảm bảo rằng khối u không thay đổi theo bất kỳ cách nào.
Đôi khi, một khối u lành tính ở vú, chẳng hạn như u xơ tuyến sẽ được cắt bỏ. Ví dụ về thời điểm cần cắt bỏ nếu khối u:
– tiêp tục tăng kích thước
– gây ra sự khó chịu đáng kể
– ảnh hưởng đến hình dạng ngực của bạn
Sinh thiết có thể tìm thấy các tế bào không điển hình trong khối u vú. Những tế bào này không phải là ung thư nhưng vẫn không có vẻ bình thường dưới kính hiển vi. Trong tình huống này, bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên loại bỏ khối u.
Tóm lại
Hầu hết các khối u ở vú đều lành tính, có nghĩa là chúng không gây ung thư. Các khối u vú lành tính thường mềm hoặc đau hơn. Chúng cũng thường có hình dạng rõ ràng và có thể di chuyển được.
Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra khối u vú lành tính. Một số bệnh phổ biến bao gồm u nang vú, u xơ tuyến…
Không thể biết khối u ở vú có phải là ung thư hay không chỉ bằng cách sờ nắn. Nếu bạn nhận thấy một khối u vú mới khi tự khám vú, điều quan trọng là bạn phải gặp bác sĩ để họ có thể đánh giá nó.
Có nhiều xét nghiệm có thể giúp xác định xem khối u ở vú có lành tính hay không. Chúng bao gồm các xét nghiệm hình ảnh học và, nếu cần thiết, lấy mẫu sinh thiết.