ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TUÝP 2: CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

Chẩn đoán
Bệnh đái tháo đường tuýp 2 thường được chẩn đoán bằng xét nghiệm HbA1C. Xét nghiệm máu này cho biết mức đường huyết trung bình của bạn trong hai đến ba tháng qua. Kết quả được diễn giải như sau:

  • Dưới 5,7% là bình thường.
  • Từ 5,7% đến 6,4% được chẩn đoán là tiền đái đường.
  • Từ 6,5% hoặc cao hơn trong hai lần xét nghiệm riêng biệt cho phép chẩn đoán bệnh đái tháo đường.

Nếu xét nghiệm HbA1C không có sẵn hoặc nếu bạn có một số tình trạng bệnh lý nhất định cản trở làm xét nghiệm này, bác sĩ có thể sử dụng các xét nghiệm sau để chẩn đoán bệnh đái tháo đường:

  • Xét nghiệm đường huyết bất kỳ. Giá trị lượng đường trong máu được biểu thị bằng miligam đường trên mỗi deciliter (mg/dL) hoặc milimol đường trên mỗi lít (mmol/L) máu. Bất kể bạn ăn lần cuối vào thời điểm nào, mức 200 mg/dL (11,1 mmol/L) trở lên là chẩn đoán bệnh đái tháo đường, đặc biệt nếu bạn cũng có các triệu chứng của bệnh, chẳng hạn như đi tiểu nhiều và khát nước nhiều.
  • Xét nghiệm đường huyết lúc đói. Mẫu máu được lấy sau khi bạn không ăn qua đêm. Kết quả được diễn giải như sau:

Dưới 100 mg/dL (5,6 mmol/L) được coi là bình thường.
Từ 100 đến 125 mg/dL (5,6 đến 6,9 mmol/L) được chẩn đoán là tiền đái tháo đường.
Từ 126 mg/dL (7 mmol/L) hoặc cao hơn trong hai lần xét nghiệm riêng biệt được chẩn đoán là đái tháo đường.

  • Test dung nạp glucose đường uống. Xét nghiệm này ít được sử dụng hơn các xét nghiệm khác, ngoại trừ khi mang thai. Bạn sẽ nhịn ăn trong một khoảng thời gian nhất định và sau đó uống nước đường tại phòng khám. Lượng đường trong máu sau đó được kiểm tra sau hai giờ. Kết quả được diễn giải như sau:

Dưới 140 mg/dL (7,8 mmol/L) sau hai giờ được coi là bình thường.
Từ 140 đến 199 mg/dL (7,8 mmol/L và 11,0 mmol/L) được chẩn đoán là tiền đái tháo đường.
Từ 200 mg/dL (11,1 mmol/L) hoặc cao hơn sau hai giờ cho phép chẩn đoán bệnh đái tháo đường.

Sàng lọc. Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyến nghị sàng lọc thường xuyên bằng các xét nghiệm chẩn đoán bệnh đái tháo đường tuýp 2 ở tất cả người từ 35 tuổi trở lên và thuộc các nhóm sau:

  • Những người dưới 35 tuổi bị thừa cân hoặc béo phì và có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh tiểu đường.
  • Phụ nữ từng mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ.
  • Những người đã được chẩn đoán mắc bệnh tiền đái tháo đường.
  • Trẻ em thừa cân hoặc béo phì và có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 hoặc có các yếu tố nguy cơ khác.

Sau khi chẩn đoán
Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường,bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm khác để phân biệt giữa bệnh đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2 vì hai tình trạng này đòi hòi các phương pháp điều trị khác nhau.

Bác sĩ sẽ kiểm tra mức HbA1C ít nhất hai lần một năm và khi có bất kỳ thay đổi nào trong việc điều trị. Mục tiêu HbA1C khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi và các yếu tố khác. Đối với hầu hết mọi người, Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyến nghị mức HbA1C dưới 7%.

Bạn cũng được khuyến cáo làm các xét nghiệm sàng lọc các biến chứng của bệnh và các tình trạng bệnh lý khác.

Điều trị
Điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 2 bao gồm:

  • Ăn uống lành mạnh.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Giảm cân.
  • Có thể cân nhắc dùng thuốc trị tiểu đường hoặc liệu pháp insulin.
  • Theo dõi đường huyết.

Những bước này có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Và chúng có thể làm chậm hoặc ngăn ngừa các biến chứng.

Ăn uống lành mạnh
Không có chế độ ăn kiêng cụ thể cho bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, điều quan trọng là tập trung vào chế độ ăn uống của bạn xoay quanh việc:

    • Một kế hoạch thường xuyên cho các bữa ăn chính và đồ ăn nhẹ lành mạnh.
    • Chia nhiều cử ăn nhỏ.
    • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ hơn, chẳng hạn như trái cây, rau không chứa tinh bột và ngũ cốc nguyên hạt.
    • Ít ngũ cốc tinh chế, rau có tinh bột và đồ ngọt.
    • Khẩu phần vừa phải gồm sữa ít béo, thịt và cá ít béo.
    • Dầu ăn lành mạnh, chẳng hạn như dầu ô liu hoặc dầu hạt cải.
    • Ăn ít calo hơn.

Bác sĩ có thể khuyên bạn nên gặp chuyên gia dinh dưỡng để thiết kế chế độ ăn phù hợp hơn.

Hoạt động thể lực
Tập thể dục rất quan trọng để giảm cân hoặc duy trì cân nặng khỏe mạnh. Nó cũng giúp quản lý lượng đường huyết. Trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu hoặc thay đổi chương trình tập thể dục để đảm bảo các hoạt động đó an toàn cho bạn.

    • Bài tập sức bền. Chọn một bài tập sức bền mà bạn thích, chẳng hạn như đi bộ, bơi lội, đạp xe hoặc chạy. Người lớn nên tập các bài tập sức bền vừa phải từ 30 phút trở lên vào hầu hết các ngày trong tuần hoặc ít nhất 150 phút mỗi tuần.
    • Bài tập luyện sức đề kháng. Bài tập sức đề kháng làm tăng sức mạnh, khả năng giữ thăng bằng và khả năng thực hiện các sinh hoạt hàng ngày dễ dàng hơn. Rèn luyện sức đề kháng bao gồm cử tạ, yoga. Người trưởng thành mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 nên tập luyện đề kháng từ 2 đến 3 buổi mỗi tuần.
    • Hạn chế ngồi yên. Việc ngừng ngồi yên trong thời gian dài, chẳng hạn như ngồi trước máy tính, có thể giúp kiểm soát lượng đường huyết. Hãy dành vài phút để đứng, đi lại hoặc thực hiện một số hoạt động nhẹ nhàng sau mỗi 30 phút.

Giảm cân
Giảm cân giúp kiểm soát lượng đường huyết, cholesterol, triglyceride và huyết áp tốt hơn. Nếu thừa cân, bạn có thể bắt đầu thấy sự cải thiện về những yếu tố này sau khi giảm được ít nhất 5% trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, càng giảm cân thì lợi ích cho sức khỏe càng lớn. Trong một số trường hợp, có thể khuyến nghị giảm tới 15% trọng lượng cơ thể.

Bác sĩ có thể giúp bạn đặt ra các mục tiêu giảm cân phù hợp và khuyến khích thay đổi lối sống để giúp bạn đạt mục tiêu.

Theo dõi đường huyết
Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn về tần suất kiểm tra đường huyết để đảm bảo bạn vẫn đạt được mục tiêu. Ví dụ, bạn có thể cần kiểm tra mỗi ngày một lần và trước hoặc sau khi tập thể dục. Nếu bạn dùng insulin, có thể cần kiểm tra lượng đường trong máu nhiều lần trong ngày.

Việc theo dõi thường được thực hiện bằng một thiết bị nhỏ tại nhà gọi là máy bấm đường huyết đầu ngón tay. Hãy ghi lại số đo để bác sĩ có thể theo dõi.

Các nhóm thuốc điều trị đái tháo đường
Nếu bạn không thể duy trì mức đường huyết mục tiêu bằng chế độ ăn và tập thể dục, bác sĩ có thể kê đơn thuốc hoặc liệu pháp insulin giúp giảm mức đường huyết. Thuốc điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 2 bao gồm những nhóm sau.

    • Metformin nói chung là loại thuốc đầu tay được kê đơn cho bệnh đái tháo đường tuýp 2. Nó hoạt động chủ yếu bằng cách giảm sản xuất glucose ở gan và tăng độ nhạy cảm của cơ thể với insulin để sử dụng insulin hiệu quả hơn.

Một số người bị thiếu B-12 và có thể cần dùng thuốc bổ sung. Các tác dụng phụ khác có thể xảy ra, nhưng sẽ cải thiện theo thời gian, bao gồm: buồn nôn, đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy.

    • Sulfonylureas giúp cơ thể tiết ra nhiều insulin hơn. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm: hạ đường huyết, sụt cân.
    • Glinides kích thích tuyến tụy tiết ra nhiều insulin hơn. Chúng tác dụng nhanh hơn sulfonylureas. Nhưng tác dụng của chúng trong cơ thể ngắn hơn. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm: hạ đường huyết, tăng cân.
    • Thiazolidinediones làm cho các mô của cơ thể nhạy cảm hơn với insulin. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm: nguy cơ suy tim sung huyết, nguy cơ ung thư bàng quang (pioglitazone), nguy cơ gãy xương, tăng cân.
    • Thuốc ức chế DPP-4 giúp giảm lượng đường trong máu nhưng có tác dụng rất khiêm tốn. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm: nguy cơ viêm tụy, đau khớp.
    • Thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 là thuốc tiêm làm chậm quá trình tiêu hóa và giúp giảm lượng đường trong máu. Việc sử dụng thuốc thường liên quan đến việc sụt cân và một số có thể làm giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm: nguy cơ viêm tụy, buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
    • Thuốc ức chế SGLT2 tác động lên chức năng lọc máu ở thận bằng cách ngăn chặn sự tái hấp thu của glucose vào máu. Kết quả là glucose được loại bỏ qua nước tiểu. Những loại thuốc này có thể làm giảm nguy cơ bệnh tim và đột quỵ ở những người có nguy cơ cao mắc bệnh. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm: nhiễm nấm âm đạo, nhiễm trùng đường tiết niệu, huyết áp thấp, cholesterol cao, nguy cơ hoại tử, nguy cơ gãy xương (canagliflozin), nguy cơ cắt cụt chi (canagliflozin).

Các loại thuốc khác mà bác sĩ có thể kê toa ngoài thuốc trị tiểu đường bao gồm thuốc huyết áp và thuốc giảm cholesterol máu, cũng như aspirin liều thấp, để giúp ngăn ngừa bệnh tim và mạch máu.

Liệu pháp insulin
Một số người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 cần điều trị bằng insulin. Trước đây, liệu pháp insulin được sử dụng như là lựa chọn cuối cùng, nhưng ngày nay nó có thể được kê toa sớm hơn nếu mục tiêu đường huyết không đạt được bằng việc thay đổi lối sống và các loại thuốc khác.

Các loại insulin khác nhau về thời gian bắt đầu tác dụng và thời gian tác dụng. Ví dụ, insulin tác dụng kéo dài được điều chế để hoạt động qua đêm hoặc suốt cả ngày để giữ cho lượng đường huyết ổn định. Insulin tác dụng ngắn thường được sử dụng trước bữa ăn.

Bác sĩ sẽ xác định loại insulin nào phù hợp với bạn và khi nào bạn nên dùng. Loại insulin, liều lượng và thời gian có thể thay đổi tùy thuộc vào mức độ ổn định của đường huyết. Hầu hết các loại insulin đều được dùng bằng đường tiêm.

Tác dụng phụ của insulin bao gồm nguy cơ hạ đường huyết, nhiễm toan đái tháo đường và triglyceride cao.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *