Tổng quan
Leukemia (bệnh bạch cầu) là bệnh ung thư của các mô tạo máu trong cơ thể, bao gồm tủy xương và hệ bạch huyết. Có nhiều loại bệnh bạch cầu tồn tại. Một số dạng bệnh bạch cầu phổ biến hơn ở trẻ em. Các dạng bệnh bạch cầu khác xảy ra chủ yếu ở người lớn.
Ung thư máu thường liên quan đến các tế bào bạch cầu. Các tế bào bạch cầu là hàng rào chống nhiễm trùng – chúng thường được sản xuất và phân chia qua các giai đoạn khi cơ thể cần. Nhưng ở những người mắc ung thư máu, tủy xương tạo ra quá nhiều tế bào bạch cầu bất thường, không hoạt động như bình thường.
Điều trị bệnh ung thư máu có thể phức tạp – tùy thuộc vào loại bệnh bạch cầu và các yếu tố khác. Nhưng có những chiến lược và nguồn lực có thể giúp điều trị thành công.
Triệu chứng
Các triệu chứng bệnh ung thư máu khác nhau, tùy thuộc vào loại bệnh bạch cầu. Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh bạch cầu thường gặp bao gồm:
- Sốt hoặc ớn lạnh
- Mệt mỏi kéo dài, suy nhược
- Nhiễm trùng thường xuyên hoặc nặng
- Sụt cân không chủ ý
- Nổi hạch, gan hoặc lá lách to
- Dễ chảy máu hoặc bầm tím
- Chảy máu cam tái phát
- Chấm xuất huyết li ti trên da
- Đổ mồ hôi quá nhiều, đặc biệt là vào ban đêm
- Đau nhức xương
Khi nào cần khám bác sĩ
Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng dai dẳng nào khiến bạn lo lắng. Các triệu chứng bệnh bạch cầu thường mơ hồ và không cụ thể. Bạn có thể bỏ qua các triệu chứng bệnh bạch cầu sớm vì chúng có thể giống với các triệu chứng của bệnh cúm và các bệnh thông thường khác.
Đôi khi bệnh bạch cầu được phát hiện trong quá trình xét nghiệm máu do một số tình trạng khác.
Nguyên nhân
Các nhà khoa học chưa phát hiện nguyên nhân chính xác của bệnh ung thư máu. Nó dường như xuất phát từ sự kết hợp của yếu tố di truyền và môi trường.
Bệnh bạch cầu hình thành như thế nào
Nói chung, bệnh bạch cầu được cho là xảy ra khi một số tế bào máu có những thay đổi (đột biến) trong vật chất di truyền hoặc DNA. DNA chứa các thông tin định hướng cho tế bào biết phải làm gì. Thông thường, DNA lập trình cho tế bào phát triển với tốc độ xác định và chết vào một thời điểm nhất định. Trong bệnh bạch cầu, các đột biến khiến các tế bào máu tiếp tục phát triển và phân chia.
Khi điều này xảy ra, việc sản xuất tế bào máu trở nên mất kiểm soát. Theo thời gian, những tế bào bất thường này có thể lấn át các tế bào máu khỏe mạnh trong tủy xương, dẫn đến số lượng tế bào bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu khỏe mạnh ít hơn, gây ra các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bạch cầu.
Bệnh bạch cầu được phân loại như thế nào
Các bác sĩ phân loại bệnh bạch cầu dựa trên tốc độ tiến triển và loại tế bào liên quan.
Cách phân loại đầu tiên là bệnh bạch cầu tiến triển nhanh như thế nào:
- Bệnh bạch cầu cấp. Trong bệnh bạch cầu cấp, các tế bào máu bất thường là các tế bào máu chưa trưởng thành (nguyên bào máu). Chúng không thể thực hiện các chức năng bình thường và nhân lên nhanh chóng nên bệnh nhanh chóng diễn tiến xấu. Bệnh bạch cầu cấp cần điều trị tích cực, kịp thời.
- Bệnh bạch cầu mãn. Có nhiều loại bệnh bạch cầu mãn. Một số tạo ra quá nhiều tế bào và một số tạo ra quá ít tế bào. Bệnh bạch cầu mãn liên quan đến các tế bào máu trưởng thành hơn. Những tế bào máu này nhân lên hoặc tích lũy chậm hơn và có thể hoạt động bình thường trong một khoảng thời gian. Một số dạng bệnh bạch cầu mãn ban đầu không có triệu chứng sớm và có thể bị bỏ qua hoặc không được chẩn đoán trong nhiều năm.
Cách phân loại thứ hai là theo loại tế bào bạch cầu bị ảnh hưởng:
- Bệnh bạch cầu dòng lympho. Loại bệnh bạch cầu này ảnh hưởng đến các tế bào bạch huyết (tế bào lympho), hình thành nên hạch bạch huyết. Mô bạch huyết tạo nên hệ thống miễn dịch của bạn.
- Bệnh bạch cầu dòng tủy. Loại bệnh bạch cầu này ảnh hưởng đến các tế bào tủy. Các tế bào tủy tạo ra các tế bào hồng cầu, bạch cầu và tế bào sản xuất tiểu cầu.
Các loại bệnh bạch cầu
Các loại bệnh bạch cầu chính là:
- Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho (ALL). Đây là loại bệnh bạch cầu phổ biến nhất ở trẻ nhỏ. ALL cũng có thể xảy ra ở người lớn.
- Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (AML). AML là một loại bệnh bạch cầu phổ biến. Nó xảy ra ở trẻ em và người lớn. AML là loại bệnh bạch cầu cấp tính phổ biến nhất ở người lớn.
- Bệnh bạch cầu mãn dòng lympho (CLL). Với CLL, bệnh bạch cầu mãn tính phổ biến nhất ở người trưởng thành, bạn có thể cảm thấy khỏe trong nhiều năm mà không cần điều trị.
- Bệnh bạch cầu mãn dòng tủy (CML). Loại bệnh bạch cầu này chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn. Một người mắc CML có thể có ít hoặc không có triệu chứng trong nhiều tháng hoặc nhiều năm trước khi bước vào giai đoạn mà các tế bào ung thư bạch cầu phát triển nhanh hơn.
- Các loại khác. Tồn tại các loại bệnh bạch cầu khác hiếm gặp hơn, bao gồm hội chứng loạn sinh tủy và rối loạn tăng sinh tủy.
Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại bệnh bạch cầu bao gồm:
- Điều trị ung thư trước đó. Những người đã trải qua một số loại hóa trị và xạ trị cho các bệnh ung thư khác có nguy cơ mắc một số loại bệnh ung thư máu nhất định.
- Rối loạn di truyền. Những bất thường về di truyền dường như đóng một vai trò trong sự phát triển của bệnh bạch cầu. Một số rối loạn di truyền, chẳng hạn như hội chứng Down, có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu.
- Tiếp xúc với một số hóa chất. Việc tiếp xúc với một số hóa chất, chẳng hạn như benzen – có trong xăng và được ngành công nghiệp hóa chất sử dụng – có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc một số loại bệnh bạch cầu.
- Hút thuốc. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh bạch cầu. Nếu các thành viên trong gia đình được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu, nguy cơ mắc bệnh của bạn có thể tăng lên.
Tuy nhiên, hầu hết những người có yếu tố nguy cơ đã biết đều không mắc bệnh bạch cầu. Và nhiều người mắc bệnh bạch cầu không có yếu tố nguy cơ nào trong số này
Chẩn đoán
Các bác sĩ có thể phát hiện bệnh bạch cầu mãn trong xét nghiệm máu định kỳ trước khi các triệu chứng xuất hiện. Nếu điều này xảy ra hoặc nếu bạn có các dấu hiệu hoặc triệu chứng gợi ý bệnh bạch cầu, bạn có thể được đề nghị làm các xét nghiệm sau để kiểm tra chẩn đoán:
- Khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ khám và tìm các dấu hiệu thực thể của bệnh bạch cầu, chẳng hạn như da nhợt nhạt do thiếu máu, sưng hạch bạch huyết, gan và lá lách to.
- Xét nghiệm máu. Bằng cách phân tích mẫu máu của bạn, bác sĩ có thể xác định mức độ bất thường của hồng cầu, bạch cầu hoặc tiểu cầu – điều này có thể gợi ý bệnh bạch cầu. Xét nghiệm máu cũng có thể cho thấy sự hiện diện của các tế bào ung thư bạch cầu, mặc dù không phải tất cả các loại bệnh bạch cầu đều khiến các tế bào ung thư lưu thông trong máu. Đôi khi các tế bào ung thư bạch cầu vẫn ở trong tủy xương.
- Sinh thiết tủy. Bác sĩ có thể đề nghị một thủ thuật để lấy mẫu tủy xương từ xương chậu của bạn. Tủy xương được lấy ra bằng một cây kim dài và mảnh. Mẫu được gửi đến phòng thí nghiệm để tìm kiếm các tế bào ung thư bạch cầu. Các xét nghiệm chuyên biệt về tế bào ung thư bạch cầu có thể gợi ý một số đặc điểm để xác định các lựa chọn điều trị.
Điều trị
Điều trị bệnh ung thư máu phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bác sĩ đưa ra các lựa chọn điều trị dựa trên tuổi tác và tổng trạng, loại bệnh bạch cầu mà bạn mắc phải và tình trạng di căn, bao gồm cả hệ thần kinh trung ương.
Các phương pháp điều trị phổ biến được sử dụng bao gồm:
- Hóa trị. Hóa trị là hình thức điều trị chính cho bệnh bạch cầu. Phương pháp điều trị bằng thuốc này sử dụng hóa chất để tiêu diệt các tế bào ung thư bạch cầu.
- Liệu pháp nhắm trúng đích. Phương pháp điều trị bằng thuốc nhắm trúng đích tập trung vào những bất thường cụ thể hiện diện trong tế bào ung thư. Bằng cách ngăn chặn những bất thường này, phương pháp điều trị bằng thuốc nhắm trúng đích có thể khiến tế bào ung thư chết.
- Xạ trị. Xạ trị sử dụng tia X hoặc các chùm năng lượng cao khác để làm tổn thương các tế bào ung thư bạch cầu và ngăn chặn sự phát triển của chúng. Xạ trị có thể được sử dụng để chuẩn bị cho việc ghép tủy xương.
- Ghép tủy. Ghép tủy, còn gọi là ghép tế bào gốc, giúp tái lập các tế bào gốc khỏe mạnh bằng cách thay thế tủy xương không khỏe mạnh bằng các tế bào gốc không mắc bệnh sẽ tái tạo tủy xương khỏe mạnh. Trước khi ghép tủy, bạn sẽ được hóa trị hoặc xạ trị liều rất cao để tiêu diệt các tế bào tủy gây ra bệnh bạch cầu. Sau đó, bạn sẽ được truyền tế bào gốc tạo máu để giúp tái tạo lại tủy xương. Bạn có thể nhận tế bào gốc từ người hiến tặng hoặc bạn có thể sử dụng tế bào gốc của chính mình.
- Liệu pháp miễn dịch. Liệu pháp miễn dịch sử dụng hệ thống miễn dịch của bạn để chống lại ung thư. Hệ thống miễn dịch chống lại bệnh tật của cơ thể bạn có thể không tấn công bệnh ung thư vì các tế bào ung thư tạo ra các protein giúp chúng ẩn náu khỏi các tế bào của hệ thống miễn dịch. Liệu pháp miễn dịch hoạt động bằng cách can thiệp vào quá trình đó.