BỆNH KAWASAKI

Tổng quan

Bệnh Kawasaki là bệnh viêm mạch máu, gây viêm thành mạch máu từ cỡ nhỏ đến trung bình trong khắp cơ thể. Bệnh Kawasaki thường ảnh hưởng nhất đến động mạch vành ở trẻ em. Những động mạch này cung cấp máu giàu oxy cho tim.

Bệnh Kawasaki đôi khi được gọi là hội chứng hạch bạch huyết niêm mạc. Đó là bởi vì nó cũng gây sưng đỏ các tuyến, gọi là hạch bạch huyết và màng nhầy bên trong miệng, mũi, mắt và họng.

Trẻ mắc bệnh Kawasaki có thể bị sốt cao, tay chân sưng phù, bong tróc da, đỏ mắt và lưỡi. Nhưng bệnh Kawasaki thường có thể điều trị được. Nếu được điều trị sớm, hầu hết trẻ sẽ khỏe hơn và không gặp vấn đề kéo dài về sau.

Triệu chứng
Các triệu chứng của bệnh Kawasaki bao gồm sốt cao hơn 39 độ C trong 5 ngày trở lên. Và đứa trẻ có ít nhất bốn trong số các triệu chứng sau đây.

  • Phát ban ở thân mình hoặc ở vùng sinh dục.
  • Nổi hạch cổ.
  • Mắt đỏ nhưng không xuất tiết.
  • Môi đỏ, khô, nứt nẻ và lưỡi sưng đỏ.
  • Sưng đỏ lòng bàn tay, lòng bàn chân. Sau đó da ngón tay và ngón chân bong tróc.

Các triệu chứng có thể không xảy ra cùng một lúc. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Đau bụng.
  • Tiêu chảy.
  • Quấy khóc.
  • Đau khớp.
  • Nôn ói.

Một số trẻ bị sốt cao từ 5 ngày trở lên nhưng có ít hơn 4 triệu chứng cần thiết để chẩn đoán bệnh Kawasaki. Chúng có thể mắc bệnh Kawasaki không điển hình. Trẻ mắc bệnh Kawasaki không điển hình vẫn có nguy cơ bị tổn thương động mạch vành. Chúng vẫn cần điều trị trong vòng 10 ngày kể từ khi các triệu chứng xuất hiện.

Bệnh Kawasaki có thể có các triệu chứng giống như hội chứng viêm toàn thân ở trẻ em. Hội chứng này xảy ra ở trẻ em mắc bệnh COVID-19.

Khi nào cần đi khám bác sĩ
Nếu con bạn bị sốt kéo dài hơn ba ngày, hãy đi khám bác sĩ. Điều trị bệnh Kawasaki trong vòng 10 ngày kể từ khi bệnh bắt đầu có thể làm giảm nguy cơ tổn thương lâu dài đối với các động mạch vành cung cấp máu cho tim.

Nguyên nhân
Không ai biết nguyên nhân gây ra bệnh Kawasaki. Nhưng các chuyên gia cho rằng bệnh không lây từ người sang người. Một số người cho rằng bệnh Kawasaki xảy ra sau khi bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus hoặc có liên quan đến các yếu tố môi trường. Một số gen nhất định có thể khiến trẻ dễ mắc bệnh Kawasaki hơn.

Các yếu tố nguy cơ
Ba điều được biết là có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Kawasaki ở trẻ.

  • Tuổi. Trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc bệnh Kawasaki cao nhất.
  • Giới tính. Trẻ nam có nhiều khả năng mắc bệnh Kawasaki hơn.
  • Dân tộc. Trẻ em gốc Á hoặc Thái Bình Dương có tỷ lệ mắc bệnh Kawasaki cao hơn.

Bệnh Kawasaki có xu hướng xảy ra theo mùa. Ở Bắc Mỹ và các quốc gia có khí hậu tương tự, bệnh thường xảy ra vào mùa đông và đầu mùa xuân.

Biến chứng
Bệnh Kawasaki là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim ở trẻ em sống ở các nước phát triển. Tuy nhiên, nếu được điều trị, rất ít trẻ bị tổn thương lâu dài.

Các biến chứng về tim bao gồm:

  • Dãn mạch máu, thường gặp nhất là các động mạch vành đưa máu đến tim.
  • Viêm cơ tim.
  • Vấn đề về van tim.

Bất kỳ biến chứng nào trong số này đều có thể làm tổn thương tim. Sưng động mạch vành có thể làm yếu thành mạch và gây ra chỗ phình trên thành mạch, gọi là chứng phình động mạch. Phình động mạch làm tăng nguy cơ đông máu. Những điều này có thể dẫn đến đau tim hoặc gây xuất huyết bên trong cơ thể.

Hiếm khi, đối với những trẻ có vấn đề về động mạch vành, bệnh Kawasaki có thể gây tử vong.

Chẩn đoán

Không có xét nghiệm đơn lẻ nào để chẩn đoán bệnh Kawasaki. Chẩn đoán bao gồm việc loại trừ các bệnh khác gây ra các triệu chứng tương tự. Những bệnh này bao gồm:

  • Sốt tinh hồng nhiệt.
  • Viêm khớp dạng thấp thiếu niên.
  • Hội chứng Stevens-Johnson.
  • Hội chứng sốc do độc tố.
  • Bệnh sởi.
  • Một số bệnh do bọ ve gây ra, chẳng hạn như sốt phát ban ở Rocky Mountain.

Bác sĩ sẽ khám và yêu cầu xét nghiệm máu và nước tiểu để giúp chẩn đoán. Các xét nghiệm có thể bao gồm:

  • Xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu giúp loại trừ các bệnh khác và kiểm tra số lượng tế bào máu. Số lượng bạch cầu cao, thiếu máu và viêm là dấu hiệu của bệnh Kawasaki.
  • Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG). Test nhanh này giúp kiểm tra hoạt động điện của tim. Các miếng dán gọi là điện cực được gắn vào ngực và đôi khi ở cánh tay hoặc chân. Dây kết nối các miếng dán với máy. Máy in hoặc hiển thị kết quả. ECG có thể chẩn đoán nhịp tim không đều. Bệnh Kawasaki có thể gây ra các vấn đề về nhịp tim.
  • Siêu âm tim. Test này sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh của tim đang chuyển động. Siêu âm giúp quan sát dòng máu chảy qua tim và van tim. Siêu âm tim cho thấy tim hoạt động tốt như thế nào. Nó cũng có thể giúp phát hiện các vấn đề về động mạch vành.

Điều trị
Tốt nhất nên bắt đầu điều trị bệnh Kawasaki càng sớm càng tốt, khi con bạn vẫn còn sốt. Việc điều trị bệnh Kawasaki thường diễn ra ở bệnh viện. Mục tiêu điều trị là hạ sốt, giảm sưng viêm và ngăn ngừa tổn thương tim.

Thuốc
Điều trị bệnh Kawasaki có thể bao gồm:

    • Gamma globulin. Một loại protein gọi là gamma globulin được truyền qua tĩnh mạch. Phương pháp điều trị này làm giảm tình trạng viêm mạch máu. Nó có thể làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề về động mạch vành.

Khi được điều trị, trẻ có thể bắt đầu cải thiện ngay sau một lần điều trị bằng gamma globulin. Nếu không điều trị, bệnh Kawasaki kéo dài khoảng 12 ngày. Tuy nhiên, các biến chứng về tim có thể kéo dài hơn.

Sau khi tiêm gamma globulin, hãy đợi ít nhất 11 tháng để tiêm vắc xin sống, chẳng hạn như vắc xin thủy đậu hoặc sởi. Gamma globulin có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các loại vắc xin này.

    • Aspirin. Aspirin liều cao có thể giúp điều trị tình trạng viêm. Aspirin cũng có thể làm giảm đau, sưng khớp và hạ sốt. Liều aspirin có thể sẽ giảm xuống sau khi hết sốt trong 48 giờ.

Đối với hầu hết các tình trạng khác, không nên dùng aspirin cho trẻ em. Aspirin có liên quan đến hội chứng Reye, một tình trạng hiếm gặp đe dọa tính mạng ở trẻ. Bác sĩ sẽ giám sát việc cho trẻ mắc bệnh Kawasaki dùng aspirin. Trẻ bị cúm hoặc thủy đậu trong quá trình điều trị có thể cần ngừng dùng aspirin.

Sau lần điều trị đầu tiên
Khi hạ sốt, trẻ có thể cần duy trì aspirin liều thấp trong ít nhất sáu tuần. Điều này có thể lâu hơn nếu có vấn đề về động mạch vành. Aspirin giúp ngăn ngừa đông máu.

Khi được điều trị, trẻ có thể bắt đầu cải thiện ngay sau một lần điều trị bằng gamma globulin. Nếu không điều trị, bệnh Kawasaki kéo dài khoảng 12 ngày. Tuy nhiên, các vấn đề về tim có thể kéo dài hơn.

Theo dõi các vấn đề về tim
Nếu con bạn có bất kỳ dấu hiệu nào của vấn đề tim mạch, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm tiếp theo để kiểm tra. Các xét nghiệm thường được thực hiện từ 6 đến 8 tuần sau khi bệnh bắt đầu và lặp lại sau sáu tháng.

Nếu vấn đề về tim vẫn tiếp diễn, con bạn cần được gửi đến bác sĩ tim mạch nhi. Điều trị các vấn đề về tim liên quan đến bệnh Kawasaki tùy thuộc vào loại bệnh tim.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *