Tổng quan
Viêm da dị ứng (chàm da) là tình trạng khiến da khô, ngứa và viêm. Nó phổ biến ở trẻ nhỏ nhưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Viêm da dị ứng thường kéo dài (mạn tính) và đôi khi có xu hướng bùng phát. Nó có thể gây khó chịu nhưng nó không lây.
Những người bị viêm da dị ứng có nguy cơ bị dị ứng thức ăn, viêm mũi dị ứng và hen suyễn.
Dưỡng ẩm thường xuyên và tuân theo các thói quen chăm sóc da khác có thể làm giảm ngứa và ngăn ngừa các đợt bùng phát mới. Điều trị cũng có thể bao gồm thuốc bôi hoặc kem.
Triệu chứng
Các triệu chứng viêm da dị ứng (chàm) có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể và khác nhau tùy theo từng người. Triệu chứng có thể bao gồm:
- Da khô, nứt nẻ
- Ngứa
- Phát ban trên vùng da sưng tấy
- Những sẩn nhỏ, nổi lên trên da màu nâu hoặc đen
- Chảy dịch và đóng vảy
- Da dày lên
- Sẫm màu vùng da quanh mắt
- Da thô ráp, nhạy cảm do gãi
Viêm da dị ứng thường bắt đầu trước 5 tuổi và có thể tiếp tục kéo dài đến tuổi thiếu niên và tuổi trưởng thành. Đối với một số người, nó bùng phát rồi biến mất trong một thời gian, thậm chí trong vài năm.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Trao đổi với bác sĩ nếu bạn hoặc con bạn:
- Có triệu chứng viêm da cơ địa
- Khó chịu đến mức tình trạng này ảnh hưởng đến giấc ngủ và các hoạt động hàng ngày
- Bị nhiễm trùng da – da chảy mủ
- Có các triệu chứng ngay cả sau khi thử các bước tự chăm sóc
Đi khám ngay lập tức nếu bạn hoặc con bạn bị sốt và phát ban nhiễm trùng.
Nguyên nhân
Ở một số người, viêm da dị ứng có liên quan đến một biến thể gen ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ của da. Với chức năng hàng rào bảo vệ yếu, da ít có khả năng giữ ẩm và bảo vệ khỏi vi khuẩn, chất kích thích, chất gây dị ứng và các yếu tố môi trường – chẳng hạn như khói thuốc lá.
Ở những người khác, viêm da dị ứng là do có quá nhiều vi khuẩn tụ cầu vàng trên da. Các vi khuẩn này thay thế vi khuẩn có lợi và phá vỡ chức năng bảo vệ của da.
Chức năng hàng rào bảo vệ da yếu cũng có thể kích hoạt phản ứng của hệ miễn dịch khiến da bị viêm và các triệu chứng khác.
Viêm da dị ứng (eczema) là một trong nhiều loại viêm da. Các loại phổ biến khác là viêm da tiếp xúc và viêm da tiết bã (gàu). Viêm da không lây nhiễm.
Yếu tố nguy cơ
Yếu tố nguy cơ chính của viêm da dị ứng là đã từng bị bệnh chàm, dị ứng, viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn trong quá khứ. Có thành viên trong gia đình mắc những bệnh này cũng làm tăng nguy cơ.
Biến chứng
Các biến chứng của viêm da dị ứng có thể bao gồm:
- Hen suyễn và viêm mũi dị ứng. Nhiều người bị viêm da dị ứng đi kèm bệnh hen suyễn và viêm mũi dị ứng. Điều này có thể xảy ra trước hoặc sau khi mắc bệnh viêm da dị ứng.
- Dị ứng thức ăn. Những người bị viêm da dị ứng thường bị dị ứng thức ăn. Một trong những triệu chứng chính của tình trạng này là phát ban (mề đay).
- Da ngứa mãn tính, bong vảy. Một tình trạng da gọi là viêm da thần kinh bắt đầu từ một mảng da ngứa. Bạn gãi vào vùng đó, việc này chỉ giúp giảm đau tạm thời. Gãi thực sự làm cho da ngứa hơn vì nó kích hoạt các sợi thần kinh trên da. Theo thời gian, bạn có thể gãi theo thói quen. Tình trạng này có thể khiến vùng da ảnh hưởng bị đổi màu, dày và sần sùi.
- Các mảng da sẫm màu hơn hoặc sáng hơn vùng xung quanh. Biến chứng này sau khi phát ban đã lành được gọi là tăng sắc tố sau viêm hoặc giảm sắc tố. Nó phổ biến hơn ở những người có làn da nâu hoặc đen. Có thể mất vài tháng để sự đổi màu mờ dần.
- Nhiễm trùng da. Gãi nhiều lần làm rách da có thể gây ra vết loét và vết nứt lở. Những điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng từ vi khuẩn và virus. Những bệnh nhiễm trùng da này có thể lây lan và đe dọa tính mạng.
- Viêm da tay kích thích. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến những người có bàn tay thường xuyên ướt và tiếp xúc với xà phòng, chất tẩy rửa và chất khử trùng mạnh tại nơi làm việc.
- Viêm da tiếp xúc dị ứng. Tình trạng này thường gặp ở những người bị viêm da dị ứng. Viêm da tiếp xúc dị ứng là tình trạng phát ban ngứa do chạm vào các chất mà bạn bị dị ứng. Màu sắc của phát ban thay đổi tùy thuộc vào màu da của bạn.
- Các vấn đề về giấc ngủ. Cơn ngứa của viêm da dị ứng có thể cản trở giấc ngủ.
- Tình trạng sức khỏe tinh thần. Viêm da dị ứng có liên quan đến trầm cảm và lo lắng. Điều này có thể liên quan đến tình trạng ngứa liên tục và các vấn đề về giấc ngủ thường gặp ở những người bị viêm da dị ứng.
Phòng ngừa
Xây dựng thói quen chăm sóc da cơ bản có thể giúp ngăn ngừa bệnh chàm bùng phát. Những lời khuyên sau đây có thể giúp giảm tác động khô da khi tắm:
- Dưỡng ẩm cho làn da ít nhất hai lần một ngày. Kem, thuốc mỡ và kem dưỡng ẩm giúp giữ ẩm. Chọn một hoặc nhiều sản phẩm phù hợp với bạn. Lý tưởng nhất là loại an toàn, hiệu quả, giá cả phải chăng và không mùi.
- Tắm hàng ngày. Sử dụng nước ấm thay vì nước nóng và chỉ tắm trong khoảng 10 phút.
- Sử dụng chất tẩy rửa nhẹ nhàng, không chứa xà phòng. Chọn loại sữa rửa mặt không màu, cồn và hương liệu. Đối với trẻ nhỏ, bạn thường chỉ cần nước ấm để làm sạch – không cần xà phòng. Xà phòng có thể đặc biệt gây khó chịu cho da của trẻ nhỏ. Đối với mọi người ở mọi lứa tuổi, xà phòng khử mùi và xà phòng kháng khuẩn có thể loại bỏ quá nhiều dầu tự nhiên của da và làm khô da. Đừng chà xát da bằng khăn lau hoặc xơ mướp.
- Lau khô. Sau khi tắm, nhẹ nhàng vỗ nhẹ lên da bằng khăn mềm. Thoa kem dưỡng ẩm khi da vẫn còn ẩm (trong vòng ba phút).
- Các tác nhân gây viêm da dị ứng rất khác nhau ở mỗi người. Cố gắng xác định và tránh các chất kích thích gây ra bệnh chàm của bạn. Nói chung, hãy tránh bất cứ thứ gì gây ngứa.
Các tác nhân phổ biến gây viêm da dị ứng bao gồm:
- Vải len thô nhám
- Da khô
- Nhiễm trùng da
- Nhiệt và mồ hôi
- Sản phẩm tẩy rửa
- Mạt bụi và vẩy da thú cưng
- Phấn hoa
- Khói thuốc lá
- Không khí lạnh và khô
- Nước hoa
- Các hóa chất gây kích ứng khác
- Trẻ sơ sinh và trẻ em có thể bị bùng phát do ăn một số loại thực phẩm nhất định, chẳng hạn như trứng và sữa bò.
Khi bạn hiểu nguyên nhân gây ra bệnh chàm, hãy nói chuyện với bác sĩ về cách kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa bùng phát.