Nồng độ hormone dao động trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến sự thèm ăn và có thể gây tích nước. Cả hai yếu tố này đều góp phần dẫn đến tăng cân trong khoảng thời gian có kinh.
Bài viết này mô tả lý do tại sao một người có thể tăng cân trong kỳ kinh nguyệt và cách ngăn chặn điều đó. Chúng tôi cũng gợi ý những cách giúp tránh tăng cân trong kỳ kinh nguyệt.
Tăng cân trong kỳ kinh
Nghiên cứu y học đã xác định được khoảng 150 triệu chứng mà mọi người có thể gặp phải trong những ngày chuẩn bị hành kinh. Thèm ăn, cảm giác đói nhiều hơn, giữ nước và phù là những triệu chứng tiền kinh nguyệt có thể khiến một người cảm thấy như đang tăng cân.
Thay đổi cảm giác thèm ăn
Chị em có thể nhận thấy những thay đổi về khẩu vị trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Đối với một số người, những thay đổi này có thể dẫn đến lo ngại về việc tăng cân. Những thay đổi về cảm giác thèm ăn có xu hướng xảy ra ở các giai đoạn riêng biệt của chu kỳ kinh nguyệt được gọi là giai đoạn nang noãn và giai đoạn hoàng thể.
- Giai đoạn nang noãn. Giai đoạn này bắt đầu khi một người chảy máu và kết thúc trước khi rụng trứng. Estrogen là hormone chủ đạo trong giai đoạn này. Vì estrogen ngăn chặn sự thèm ăn nên một người có thể thấy rằng họ ăn ít hơn trong giai đoạn này.
- Giai đoạn hoàng thể. Giai đoạn này bắt đầu sau khi rụng trứng và kéo dài đến ngày đầu tiên của kỳ kinh tiếp theo. Trong giai đoạn hoàng thể, progesterone là hormone chủ đạo. Vì progesterone kích thích sự thèm ăn nên một người có thể thấy rằng họ ăn nhiều hơn.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng phụ nữ ăn nhiều calo hơn trong giai đoạn hoàng thể so với giai đoạn nang trứng của chu kỳ kinh nguyệt.
Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy phụ nữ có xu hướng ăn nhiều protein hơn trong giai đoạn hoàng thể của kinh nguyệt. Họ cũng cho biết cảm giác thèm ăn ngày càng tăng, đặc biệt là đồ ngọt, sô cô la và đồ ăn mặn.
Giữ nước và phù
Nữ giới có thể bị tích nước và muối tăng lên trong thời kỳ kinh nguyệt. Điều này là do sự gia tăng hormone progesterone. Progesterone kích hoạt hormone aldosterone, khiến thận giữ nước và muối. Việc giữ nước có thể dẫn đến đầy hơi và phù, đặc biệt là ở bụng, cánh tay và chân. Điều này khiến bề ngoài nhìn có vẻ tăng cân. Nó cũng có thể làm cho quần áo của một người có cảm giác chật hơn.
Tuy nhiên, việc giữ nước không phải lúc nào cũng có nghĩa là tăng cân. Một nghiên cứu năm 2014 đã khảo sát tình trạng giữ nước ở những phụ nữ phàn nàn về tình trạng phù trong kỳ kinh nguyệt.
Các phép đo chu vi được thực hiện trong suốt nghiên cứu cho thấy những người tham gia đã bị phù đáng kể ở các bộ phận sau:
- khuôn mặt
- ngực
- bụng
- chi trên và chi dưới
- vùng kín
Tuy nhiên, không có sự thay đổi đáng kể về cân nặng trong suốt chu kỳ của những người tham gia.
Những triệu chứng nào là bình thường?
Nhiều người trải qua cả các triệu chứng về thể chất và tâm lý trong kỳ kinh nguyệt. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- trầm cảm
- lo âu
- cáu gắt
- sự bộc phát giận dữ
- những cơn khóc
- lú lẫn
- xa lánh xã hội
- kém tập trung
- mất ngủ
- ngủ trưa nhiều hơn
- thay đổi ham muốn tình dục
- đau đầu
- nhức mỏi
- mệt mỏi
- các vấn đề về da
- triệu chứng tiêu hóa
- đau bụng
Mọi người có thể cảm thấy các triệu chứng khác trong những ngày trước kỳ kinh. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- khát nước và thay đổi khẩu vị
- đau ngực
- đầy hơi
- đau đầu
- sưng phù tay hoặc chân
Loại, mức độ nghiêm trọng và thời gian của các triệu chứng sẽ khác nhau ở mỗi người. Ngoài ra, một số người có thể gặp phải sự phối hợp của các triệu chứng, trong khi những người khác có thể không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào.
Tình trạng này kéo dài bao lâu?
Các triệu chứng tiền kinh nguyệt có xu hướng bắt đầu vài ngày trước khi ra kinh và chấm dứt khi có kinh nguyệt.
Bác sĩ có thể chẩn đoán một người mắc hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) nếu:
- người đó có một loạt các triệu chứng 5 ngày trước kỳ kinh trong ít nhất ba chu kỳ liên tiếp
- các triệu chứng kết thúc trong vòng 4 ngày sau khi bắt đầu có kinh
- các triệu chứng cản trở hoạt động bình thường của họ
Làm thế nào để tránh tăng cân
Sau đây là một số ví dụ về cách ngăn ngừa tăng cân trong kỳ kinh nguyệt.
Chế độ ăn
ACOG khuyến nghị những thói quen ăn uống sau đây để giúp giảm bớt tác động của PMS:
- ăn đường đa để giảm các triệu chứng về tâm trạng và sự thèm ăn
- ăn thực phẩm giàu canxi, bao gồm sữa chua và rau xanh
- giảm lượng chất béo, muối và đường
- tránh hoặc hạn chế caffeine và đồ uống có cồn
- giữ lượng đường trong máu ổn định bằng cách ăn nhiều bữa nhỏ thường xuyên hơn
Thực phẩm bổ sung
Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn nên bổ sung magiê. Điều này có thể giúp giảm bớt các triệu chứng sau đây của PMS:
- đầy hơi
- đau ngực
- rối loạn tâm trạng
Thuốc
Đôi khi, bác sĩ có thể kê đơn thuốc lợi tiểu cho những người phàn nàn về tình trạng tích nước trong thời kỳ kinh nguyệt. Thuốc lợi tiểu giúp giảm lượng nước cơ thể tích trữ.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một số loại thuốc tránh thai đường uống nhất định cũng có thể giúp giảm tình trạng giữ nước. Trong một nghiên cứu năm 2007, những phụ nữ dùng 3 miligam (mg) drospirenone và 30 microgam (mcg) ethinyl estradiol đã giảm khả năng giữ nước. Tuy nhiên, trọng lượng cơ thể của họ vẫn không thay đổi.
Các bác sĩ thường sử dụng thuốc tránh thai kết hợp để điều trị các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt.
Tóm lại
Sự dao động nội tiết tố xảy ra trong suốt chu kỳ kinh nguyệt có thể ảnh hưởng đến sự thèm ăn của một người. Đặc biệt, nữ giới có thể cảm thấy thèm ăn trong những ngày sắp đến kỳ kinh nguyệt. Họ cũng có thể bị giữ nước và đầy hơi, dẫn đến tăng cân.
Có một số bước mọi người có thể thực hiện để ngăn ngừa tăng cân trong kỳ kinh nguyệt. Một người có thể thực hành thói quen ăn uống lành mạnh trong suốt chu kỳ của họ. Điều này bao gồm việc ăn ít muối, đường và chất béo, đồng thời tích trữ các món ăn nhẹ ít calo để thỏa mãn cơn thèm ăn. Ngoài ra, bổ sung magiê có thể giúp giảm bớt chứng đầy hơi và các triệu chứng khác của PMS.
Những người lo ngại về việc giữ nước nên nói chuyện với bác sĩ. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc lợi tiểu hoặc thuốc tránh thai để giúp giảm bớt triệu chứng này.