VIÊM NỘI TÂM MẠC

Tổng quan
Viêm nội tâm mạc là tình trạng viêm ở lớp lót bên trong của các buồng tim và van tim, có thể đe dọa tính mạng. Lớp lót này được gọi là nội tâm mạc.

Viêm nội tâm mạc thường do nhiễm trùng. Vi khuẩn, nấm hoặc các loại vi sinh vật khác xâm nhập vào máu và bám vào các vị trí bị tổn thương trong tim. Những yếu tố khiến bạn có nhiều khả năng bị viêm nội tâm mạc là van tim nhân tạo, van tim bị tổn thương hoặc các dị tật tim khác.

Nếu không được điều trị kịp thời, viêm nội tâm mạc có thể làm hỏng hoặc phá hủy van tim. Các phương pháp điều trị viêm nội tâm mạc bao gồm dùng thuốc và phẫu thuật.

Triệu chứng
Triệu chứng của viêm nội tâm mạc có thể khác nhau ở mỗi người. Viêm nội tâm mạc có thể tiến triển chậm hoặc đột ngột. Điều này tùy thuộc vào tác nhân gây nhiễm trùng và bệnh tim sẵn có.

Các triệu chứng thường gặp của viêm nội tâm mạc bao gồm:

  • Đau nhức khớp và cơ
  • Đau ngực khi hít thở
  • Mệt mỏi
  • Các triệu chứng giống nhiễm cúm, chẳng hạn như sốt và ớn lạnh
  • Đổ mồ hôi đêm
  • Khó thở
  • Sưng bàn chân, cẳng chân hoặc báng bụng
  • Âm thổi tim mới hoặc thay đổi

Các triệu chứng viêm nội tâm mạc ít gặp hơn có thể bao gồm:

  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Tiểu máu
  • Đau vùng hạ sườn trái (lách)
  • Các dát màu đỏ, tím hoặc nâu không đau ở lòng bàn chân hoặc lòng bàn tay (tổn thương Janeway)
  • Các nốt hoặc mảng da sẫm màu đỏ hoặc tím (tăng sắc tố) gây đau, ở đầu ngón tay hoặc ngón chân (nốt Osler)
  • Các chấm xuất huyết màu tím, đỏ hoặc nâu trên da, ở lòng trắng mắt hoặc bên trong miệng.

Khi nào cần đi khám bác sĩ
Nếu bạn có các triệu chứng của viêm nội tâm mạc, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt — đặc biệt là nếu bạn có kèm bệnh tim bẩm sinh hoặc tiền sử viêm nội tâm mạc. Các tình trạng ít nghiêm trọng hơn có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng tương tự. Cần phải được bác sĩ đánh giá cẩn thận để đưa ra chẩn đoán.

Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh viêm nội tâm mạc và có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy cho bác sĩ biết. Các triệu chứng này có nghĩa là tình trạng nhiễm trùng đang trở nên tệ hơn:

    • Lạnh run
    • Sốt
    • Đau đầu
    • Đau khớp
    • Khó thở

Nguyên nhân
Viêm nội tâm mạc thường do nhiễm vi khuẩn, nấm hoặc các loại tác nhân khác. Các tác nhân xâm nhập vào máu và di chuyển đến tim. Tại tim, chúng bám vào van tim hoặc mô tim bị tổn thương.

Thông thường, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tiêu diệt bất kỳ vi khuẩn có hại nào xâm nhập vào máu. Tuy nhiên, vi khuẩn trên da hoặc trong miệng, họng hoặc ruột có thể xâm nhập vào máu và gây viêm nội tâm mạc trong một số trường hợp.

Các yếu tố nguy cơ
Nhiều nguyên nhân khác nhau có thể khiến vi sinh vật xâm nhập vào máu và dẫn đến viêm nội tâm mạc. Tình trạng van tim bị hỏng hoặc bị tổn thương làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, viêm nội tâm mạc có thể xảy ra ở những người không có vấn đề về van tim.

Các yếu tố nguy cơ gây viêm nội tâm mạc bao gồm:

  • Lớn tuổi. Viêm nội tâm mạc thường xảy ra ở người lớn trên 60 tuổi.
  • Van tim nhân tạo. Vi khuẩn có nhiều khả năng bám vào van tim nhân tạo hơn là van tim bình thường.
  • Van tim bị tổn thương. Một số tình trạng bệnh lý nhất định, chẳng hạn như sốt thấp khớp hoặc nhiễm trùng, có thể làm hỏng hoặc sẹo một hoặc nhiều van tim, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Tiền sử viêm nội tâm mạc cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Các tật tim bẩm sinh. Sinh ra với một số tật tim nhất định, ví dụ như thông liên thất, còn ống động mạch làm tăng nguy cơ viêm nội tâm mạc.
  • Thiết bị cấy ghép trong tim. Vi khuẩn có thể bám vào thiết bị cấy ghép, chẳng hạn như máy tạo nhịp tim, gây nhiễm trùng nội tâm mạc.
  • Tiêm ma túy đường tĩnh mạch. Sử dụng kim tiêm bẩn có thể dẫn đến nhiễm trùng như viêm nội tâm mạc. Kim tiêm và ống tiêm bị nhiễm bẩn là mối quan tâm đặc biệt đối với những người sử dụng ma túy bất hợp pháp, chẳng hạn như heroin hoặc cocaine.
  • Sức khỏe răng miệng kém. Miệng và nướu chắc khỏe là điều cần thiết cho sức khỏe tốt. Nếu bạn không đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên, vi khuẩn có thể phát triển bên trong miệng và có thể đi vào máu thông qua vết cắt trên nướu. Một số thủ thuật nha khoa có cắt nướu cũng có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào máu.
  • Sử dụng ống thông trong thời gian dài. Ống thông là một ống mỏng được sử dụng để thực hiện một số thủ thuật y khoa. Đặt ống thông trong thời gian dài (ống thông lưu) làm tăng nguy cơ viêm nội tâm mạc.

Biến chứng
Trong viêm nội tâm mạc, các khối sùi bất thường tạo thành từ vi khuẩn và các mảnh tế bào được hình thành trong tim. Các khối này được gọi là sùi. Chúng có thể vỡ ra và di chuyển đến não, phổi, thận và các cơ quan khác. Chúng cũng có thể di chuyển đến cánh tay và chân.

Biến chứng của viêm nội tâm mạc có thể bao gồm:

  • Suy tim
  • Tổn thương van tim
  • Đột quỵ
  • Các ổ tụ mủ (áp xe) phát triển trong tim, não, phổi và các cơ quan khác
  • Cục máu đông trong động mạch phổi (thuyên tắc phổi)
  • Tổn thương thận
  • Lách to

Phòng ngừa
Bạn có thể thực hiện các bước sau để ngăn ngừa viêm nội tâm mạc:

  • Nhận biết được các dấu hiệu và triệu chứng của viêm nội tâm mạc. Hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu bạn phát triển bất kỳ triệu chứng nhiễm trùng nào — đặc biệt là sốt không khỏi, mệt mỏi không rõ nguyên nhân, bất kỳ loại nhiễm trùng da nào hoặc vết cắt hở hoặc vết loét không lành đúng cách.
  • Chăm sóc răng và nướu. Đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên cho răng. Kiểm tra răng miệng thường xuyên. Vệ sinh răng miệng tốt là một phần quan trọng để duy trì sức khỏe tổng thể.
  • Không sử dụng ma túy. Kim tiêm bẩn có thể đưa vi khuẩn vào máu, làm tăng nguy cơ viêm nội tâm mạc.

Kháng sinh phòng ngừa
Một số thủ thuật nha khoa và y tế khác có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào máu.

Nếu bạn có nguy cơ cao bị viêm nội tâm mạc, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo nên dùng thuốc kháng sinh một giờ trước khi thực hiện bất kỳ thủ thuật nha khoa nào.

Bạn có nguy cơ cao bị viêm nội tâm mạc và cần dùng thuốc kháng sinh trước khi làm răng nếu bạn có:

    • Tiền sử bị viêm nội tâm mạc
    • Van tim cơ học
    • Ghép tim, trong một số trường hợp
    • Một số loại bệnh tim bẩm sinh
    • Phẫu thuật tim bẩm sinh trong sáu tháng qua

Nếu bạn bị viêm nội tâm mạc hoặc bất kỳ loại bệnh tim bẩm sinh nào, hãy trao đổi với nha sĩ và các bác sĩ khác về các nguy cơ của bạn và liệu bạn có cần dùng thuốc kháng sinh phòng ngừa hay không.

Chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm nội tâm mạc, bác sĩ sẽ khám sức khỏe và hỏi về tiền sử bệnh và các triệu chứng của bạn. Các xét nghiệm được thực hiện để giúp xác nhận hoặc loại trừ viêm nội tâm mạc.

Xét nghiệm
Các xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán viêm nội tâm mạc bao gồm:

    • Cấy máu. Xét nghiệm này giúp xác định sự hiện diện của vi khuẩn trong máu. Kết quả từ xét nghiệm này giúp xác định loại kháng sinh hoặc kết hợp kháng sinh để sử dụng cho mục đích điều trị.
    • Công thức máu. Xét nghiệm này có thể kiểm tra số lượng bạch cầu có tăng không, đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Công thức máu cũng có thể giúp chẩn đoán mức độ thấp thiếu máu, đây có thể là dấu hiệu của viêm nội tâm mạc.
    • Siêu âm tim. Sóng âm được sử dụng để tạo hình ảnh của tim đang đập. Phương pháp này cho thấy hoạt động các buồng và van tim có bơm máu tốt không, đồng thời quan sát cấu trúc tim. Bác sĩ có thể sử dụng hai loại siêu âm tim khác nhau để giúp chẩn đoán viêm nội tâm mạc.

–  Siêu âm tim chuẩn (qua thành ngực): đầu dò được di chuyển trên thành ngực. Thiết bị này hướng sóng âm đến tim và ghi lại khi chúng phản xạ trở lại.

– Siêu âm tim qua thực quản, một ống mềm chứa đầu dò được dẫn xuống họng, cổ và vào thực quản. Siêu âm tim qua thực quản cung cấp hình ảnh chi tiết hơn nhiều về tim so với siêu âm tim chuẩn.

    • Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG). Xét nghiệm nhanh và không đau này đo hoạt động điện của tim. Trong quá trình đo điện tâm đồ (ECG), các điện cực được gắn vào ngực và tay, chân. Phương pháp này không được sử dụng để chẩn đoán viêm nội tâm mạc, nhưng có thể cho biết liệu có điều gì đó ảnh hưởng đến hoạt động điện của tim hay không.
    • Chụp X-quang ngực. X-quang ngực cho thấy tình trạng của phổi và tim. Cận lâm sàng này có thể giúp xác định xem viêm nội tâm mạc có gây tim to hay bất kỳ nhiễm trùng nào đã lan đến phổi hay không.
    • Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Bạn có thể cần chụp não, ngực hoặc các bộ phận khác của cơ thể nếu bác sĩ cho rằng nhiễm trùng đã lan đến các vị trí này.

Điều trị
Nhiều người bị viêm nội tâm mạc được điều trị thành công bằng thuốc kháng sinh. Đôi khi, có thể cần phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay thế van tim bị tổn thương và làm sạch các nhiễm trùng còn sót lại.

Thuốc
Loại thuốc sử dụng phụ thuộc vào nguyên nhân gây viêm nội tâm mạc.

Liều cao thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị viêm nội tâm mạc do vi khuẩn gây ra. Nếu bạn được dùng thuốc kháng sinh, bạn thường sẽ phải nằm viện một tuần hoặc lâu hơn để các bác sĩ có thể theo dõi đáp ứng điều trị. Khi sốt và mọi triệu chứng nặng đã biến mất, bạn có thể xuất viện. Một số người tiếp tục dùng thuốc kháng sinh trong vài tuần.

Nếu viêm nội tâm mạc do nhiễm nấm, thuốc kháng nấm sẽ được dùng. Một số người cần dùng thuốc kháng nấm suốt đời để ngăn ngừa viêm nội tâm mạc tái phát.

Phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác
Có thể cần phẫu thuật van tim để điều trị các trường hợp viêm nội tâm mạc dai dẳng hoặc để thay thế van bị tổn thương. Đôi khi cần phẫu thuật để điều trị viêm nội tâm mạc do nhiễm nấm.

Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bạn, bác sĩ có thể đề nghị sửa chữa hoặc thay van tim. Van tim nhân tạo sử dụng van cơ học hoặc van làm từ mô tim bò, lợn hoặc người (van mô sinh học).

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *