VÀNG DA SƠ SINH

Vàng da sơ sinh là tình trạng da và mắt của trẻ chuyển sang màu vàng do có quá nhiều bilirubin. Bệnh thường tự khỏi khi gan trưởng thành và trẻ bắt đầu bú, nhưng nếu tình trạng này kéo dài thì có thể có nguyên nhân khác. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh vàng da (còn gọi là tăng bilirubin máu) ở trẻ sơ sinh sẽ biến mất trong vòng 2 đến 3 tuần. Nồng độ bilirubin càng cao thì trẻ càng có nguy cơ bị tổn thương não.

Nguyên nhân và phân loại
Bilirubin là một sắc tố màu vàng được tạo ra trong quá trình phân hủy hồng cầu. Ở trẻ lớn và người lớn, gan xử lý bilirubin và thải qua đường ruột. Tuy nhiên, gan của trẻ sơ sinh có thể chưa đủ trưởng thành để thực hiện tốt chức năng này.

Vàng da sơ sinh có hai loại: sinh lý và bệnh lý.

  • Vàng da sinh lý là phổ biến nhất, chiếm 75% các trường hợp. Vàng da này chỉ là do quá trình chuyển hóa của em bé không thể loại bỏ bilirubin nhanh như khi nó được sản xuất. Dạng này thường xuất hiện vài ngày sau sinh và tự khỏi sau vài tuần khi quá trình phân hủy hồng cầu chậm lại và chức năng gan được cải thiện.
  • Mặt khác, vàng da bệnh lý có nghĩa là có một tình trạng khác gây ra vấn đề trong việc loại bỏ bilirubin. Dạng này có thể xuất hiện sớm trong 24 giờ đầu sau khi sinh.

Nguyên nhân có thể bao gồm:

  • bất đồng nhóm máu mẹ con như yếu tố rhesus (Rh) hoặc ABO
  • sự phá vỡ các tế bào hồng cầu (tán huyết)
  • các bệnh lí bẩm sinh ảnh hưởng đến cách cơ thể xử lý bilirubin như hội chứng Gilbert và hội chứng Crigler-Najjar
  • mẹ bị đái tháo đường
  • suy giáp bẩm sinh
  • tắc ruột
  • hẹp môn vị
  • bệnh vàng da do sữa mẹ, là phản ứng với các chất trong sữa
  • bệnh vàng da khi cho con bú, điều này có thể xảy ra nếu trẻ bú không tốt

Bệnh vàng da bệnh lý cũng có thể do một số loại thuốc nhất định gây ra, chẳng hạn như một số loại thuốc kháng sinh.

Triệu chứng
Dấu hiệu đầu tiên của bệnh vàng da là vàng da và mắt của trẻ, có thể bắt đầu ở mặt trước khi lan ra khắp cơ thể. Với bệnh vàng da sinh lý, tình trạng vàng da có thể bắt đầu và đạt đỉnh điểm trong vòng 2 đến 5 ngày sau khi sinh. Với những nguyên nhân khác, nó có thể bắt đầu sớm trong vòng 24 giờ sau sinh.

Tuy nhiên, màu vàng này có thể khó nhìn thấy hơn ở những tông màu da tối. Một cách khác để nhận biết là ấn nhẹ ngón tay lên da bé. Vùng da bên dưới sẽ nhạt màu đi trong vài giây. Nếu nó vẫn trông có màu vàng thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh vàng da. Nếu bạn lo lắng hoặc không chắc chắn, hãy đưa bé đi khám bác sĩ, đặc biệt nếu củng mạc mắt (lòng trắng) của bé có màu vàng.

Nếu không được điều trị, bệnh vàng da nặng ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến bệnh não cấp tính do bilirubin, gây ra bởi nồng độ bilirubin cao ngấm vào nhu mô não. Trẻ có thể bị sốt, lừ đừ, khóc thét, bỏ bú, gồng ưỡn người về phía sau. Nếu không phát hiện và xử trí sớm, bệnh có thể tiến triển thành vàng da nhân, gây tổn thương não vĩnh viễn.

Tại Hoa Kỳ, nhiều bệnh viện cho trẻ xuất viện sau 24-48 giờ trước khi bệnh vàng da trở nên rõ ràng. Nếu em bé không bị vàng da trong vòng 72 giờ sau khi sinh, chúng sẽ ít có khả năng mắc bệnh hơn. Nhưng chúng vẫn có thể bị vàng da sinh lý, dẫn tới các biến chứng.

Khi về nhà, hãy theo dõi và đi khám ngay nếu bạn nhận thấy các triệu chứng sau:

  • Vàng da tăng nhiều hoặc trở nên nặng hơn.
  • Con bạn bị sốt trên 38°C.
  • Vàng da sậm màu hơn
  • Con bạn bú kém, có vẻ không khỏe, lừ đừ và khóc thét.

Các yếu tố nguy cơ
Có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ trẻ sơ sinh bị vàng da sinh lý, bao gồm:

  • sinh non
  • tiền sử vàng da sơ sinh ở anh chị em
  • bé nam
  • là người gốc châu Á

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ nhất định có thể làm tăng khả năng bé bị vàng da nặng, có thể là sinh lý hoặc bệnh lý, bao gồm:

  • vàng da trong vòng 24 giờ sau khi sinh
  • sinh trước 40 tuần, nguy cơ càng tăng khi sinh non
  • điều trị chiếu đèn hoặc có tiền sử anh chị em ruột được điều trị chiếu đèn vì vàng da
  • tiền sử gia đình mắc các bệnh di truyền về máu như thiếu G6PD
  • khó cho con bú
  • tụ máu hoặc bướu huyết thanh từ khi sinh ra
  • mắc hội chứng Down
  • cân nặng lớn so với tuổi thai

Chẩn đoán
Mặc dù quan sát bằng mắt có thể phát hiện em bé bị vàng da, nhưng có thể cần các xét nghiệm bổ sung để xác định mức độ nặng.

Trẻ sơ sinh bị vàng da sẽ được xét nghiệm để xác định nồng độ bilirubin máu.

Các xét nghiệm bổ sung có thể cần thiết để xác định nguyên nhân vàng da. Điều này có thể bao gồm xét nghiệm công thức máu toàn phần, nhóm máu và sự bất tương hợp nhóm máu Rh.

Ngoài ra, xét nghiệm Coombs có thể được thực hiện để kiểm tra sự hiện diện của kháng thể làm tăng phá hủy hồng cầu (tán huyết).

Điều trị
Bệnh vàng da nhẹ thường sẽ tự khỏi khi gan của trẻ trưởng thành. Cho bú thường xuyên (ít nhất 8 lần một ngày) sẽ giúp trẻ đào thải bilirubin qua cơ thể.

Vàng da nặng hơn có thể cần các phương pháp điều trị khác. Liệu pháp ánh sáng (chiếu đèn) là phương pháp điều trị phổ biến và hiệu quả cao, sử dụng ánh sáng để phá hủy bilirubin trong cơ thể bé.

Trong khi chiếu đèn, em bé sẽ được đặt trên một chiếc giường đặc biệt dưới ánh sáng quang phổ màu xanh lam, em bé chỉ mặc tã và đeo dụng cụ che mắt. Một tấm đèn có thể được đặt tăng cường bên dưới em bé.

Trong những trường hợp rất nặng, có thể cần phải thay máu. Trong thủ thuật này, em bé sẽ nhận được một lượng máu nhỏ từ người hiến tặng hoặc ngân hàng máu. Cách này giúp thay thế máu bị phá hủy của em bé bằng các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Điều này cũng làm tăng số lượng hồng cầu của em bé và làm giảm nồng độ bilirubin.

Ngoài ra, nếu có nguyên nhân nền, em bé sẽ cần được điều trị nguyên nhân để giải quyết các triệu chứng.

Phòng ngừa
Bệnh vàng da sinh lý không thể ngăn ngừa được. Nhưng bạn có thể giảm nguy cơ xuất hiệnvàng da bằng cách thường xuyên cho trẻ bú, điều này có thể giúp bilirubin của trẻ đi qua cơ thể nhanh hơn.

Nếu bác sĩ nhận thấy có một nguyên nhân nào đó gây ra tình trạng vàng da ở trẻ, thì sẽ có những xét nghiệm có thể chẩn đoán sớm hoặc em bé có thể được điều trị phòng ngừa.

Ví dụ, khi mang thai, bạn có thể xét nghiệm nhóm máu của mình để loại trừ khả năng bất tương hợp Rh. Nếu bạn thuộc nhóm Rh âm tính, bạn có thể tiêm globulin miễn dịch qua đường tĩnh mạch khi mang thai.

Tiên lượng

Hầu hết các trường hợp vàng da sinh lý sơ sinh sẽ khỏi và thường không cần điều trị. Cho bú thường xuyên sẽ giúp giảm vàng da.

Tiên lượng của bệnh vàng da bệnh lý phụ thuộc vào nguyên nhân và phương pháp điều trị mà em bé cần. Trong cả hai trường hợp, nếu không điều trị ngay, các biến chứng có thể xảy ra.

Hướng dẫn gần đây nhất của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị tất cả trẻ sơ sinh nên được kiểm tra vàng da ít nhất 12 giờ một lần sau khi sinh và cho đến khi xuất viện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *