TRÀN KHÍ MÀNG PHỔI

Tổng quan

Tràn khí màng phổi là tình trạng phổi bị xẹp. Tràn khí màng phổi xảy ra khi không khí rò rỉ vào khoảng giữa phổi và thành ngực. Không khí này đẩy vào bên ngoài phổi và khiến phổi bị xẹp. Tràn khí màng phổi có thể là tình trạng phổi bị xẹp hoàn toàn hoặc chỉ xẹp một phần phổi.

Tràn khí màng phổi có thể do chấn thương ngực kín hoặc xuyên thấu, một số thủ thuật y tế hoặc tổn thương do bệnh phổi nền. Bệnh có thể xảy ra mà không có lý do rõ ràng. Các triệu chứng thường bao gồm đau ngực đột ngột và khó thở. Trong một số trường hợp, phổi bị xẹp có thể đe dọa tính mạng.

Điều trị tràn khí màng phổi thường bao gồm việc đưa kim hoặc ống dẫn lưu vào giữa các xương sườn để loại bỏ khí dư thừa. Tuy nhiên, tràn khí màng phổi lượng ít có thể tự hết.

Triệu chứng
Các triệu chứng chính của tràn khí màng phổi là đau ngực đột ngột và khó thở. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng có thể phụ thuộc vào mức độ xẹp phổi.

Khi nào cần đi khám bác sĩ
Các triệu chứng của tràn khí màng phổi có thể do nhiều vấn đề bệnh lý gây ra và một số có thể đe dọa đến tính mạng, vì vậy hãy đi khám. Nếu cơn đau ngực nghiêm trọng hoặc việc hít thở trở nên ngày càng khó khăn, hãy đi cấp cứu ngay lập tức.

Nguyên nhân
Tràn khí màng phổi có thể do:

  • Chấn thương ngực. Bất kỳ chấn thương kín hoặc xuyên thấu nào ở ngực đều có thể gây xẹp phổi. Một số chấn thương có thể xảy ra trong quá trình tác động vật lý hoặc tai nạn xe, trong khi những chấn thương khác có thể vô tình xảy ra trong quá trình phẫu thuật liên quan đến việc đâm kim vào ngực.
  • Bệnh lý ở phổi. Mô phổi bị tổn thương có nhiều khả năng bị xẹp. Tổn thương phổi có thể do nhiều loại bệnh gây ra, chẳng hạn như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), xơ nang, ung thư phổi hoặc viêm phổi. Các bệnh phổi dạng nang, chẳng hạn như bệnh u cơ trơn mạch bạch huyết và hội chứng Birt-Hogg-Dube, gây ra các túi kén khí tròn, thành mỏng trong mô phổi có thể vỡ, dẫn đến tràn khí màng phổi.
  • Các túi khí vỡ. Các bóng kén khí có thể phát triển ở phía trên phổi. Những kén khí này đôi khi vỡ ra — làm không khí tràn vào khoang xung quanh phổi.
  • Thở máy. Một loại tràn khí màng phổi nghiêm trọng có thể xảy ra ở những người cần hỗ trợ cơ học hô hấp. Máy thở có thể tạo ra sự mất cân bằng áp suất không khí bên trong lồng ngực. Phổi có thể bị xẹp hoàn toàn.

Các yếu tố nguy cơ
Nhìn chung, nam giới có nhiều khả năng bị tràn khí màng phổi hơn phụ nữ. Loại tràn khí màng phổi do vỡ bóng khí hay xảy ra ở những người trong độ tuổi từ 20 đến 40, đặc biệt là nếu người đó rất cao và thiếu cân.

Bệnh phổi nền hoặc thở máy có thể là nguyên nhân hoặc yếu tố nguy cơ gây tràn khí màng phổi. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:

  • Hút thuốc lá. Nguy cơ tăng theo thời gian và số lượng thuốc lá hút, ngay cả khi không bị khí phế thũng.
  • Di truyền. Một số loại tràn khí màng phổi có tính di truyền.
  • Đã từng bị tràn khí màng phổi. Bất kỳ ai đã từng bị tràn khí màng phổi một lần đều có nguy cơ bị tràn khí màng phổi lần nữa cao hơn.

Biến chứng
Các biến chứng tiềm ẩn khác nhau, tùy thuộc vào lượng và mức độ nghiêm trọng của tràn khí màng phổi cũng như nguyên nhân và phương pháp điều trị. Đôi khi không khí có thể tiếp tục tràn vô nếu lỗ hở ở phổi không đóng lại hoặc tràn khí màng phổi có thể tái phát.

Chẩn đoán
Tràn khí màng phổi thường được chẩn đoán bằng cách chụp X-quang ngực. Trong một số trường hợp, có thể cần chụp cắt lớp vi tính (CT) để có hình ảnh chi tiết hơn. Siêu âm cũng có thể được sử dụng để xác định tràn khí màng phổi.

Điều trị
Mục tiêu trong điều trị tràn khí màng phổi là giảm áp lực lên phổi, cho phép phổi nở ra trở lại. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây tràn khí màng phổi, mục tiêu thứ hai có thể là ngăn ngừa tái phát. Các phương pháp để đạt được các mục tiêu này phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng xẹp phổi và đôi khi là sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.

Các phương án điều trị có thể bao gồm theo dõi, chọc hút bằng kim, đặt ống dẫn lưu ngực, sửa chữa không phẫu thuật hoặc phẫu thuật. Bạn có thể được điều trị bằng oxy liệu pháp bổ sung để tăng tốc độ tái hấp thu không khí và nở phổi.

Theo dõi
Nếu chỉ một phần nhỏ phổi bị xẹp, bác sĩ có thể chỉ cần theo dõi tình trạng của bạn bằng chụp X-quang ngực liên tục cho đến khi lượng không khí dư thừa được hấp thụ hoàn toàn và phổi đã nở trở lại. Quá trình này có thể mất vài tuần.

Chọc hút bằng kim hoặc đặt ống dẫn lưu ngực
Nếu vùng phổi bị xẹp lớn hơn, có khả năng sẽ sử dụng kim hoặc ống dẫn lưu ngực để loại bỏ lượng không khí dư thừa.

Chọc hút bằng kim. Một cây kim rỗng có ống mềm nhỏ (ống thông) được đưa vào giữa các xương sườn vào khoang màng phổi chứa đầy không khí đang đè lên phổi. Sau đó, bác sĩ tháo kim ra, gắn một ống tiêm vào ống thông và hút hết lượng không khí dư thừa ra. Có thể để ống thông trong vài giờ để đảm bảo phổi được dãn nở trở lại và tràn khí màng phổi không tái phát.
Đặt ống dẫn lưu ngực. Ống dẫn lưu ngực mềm được đưa vào khoang chứa khí và có thể được gắn vào bình có van một chiều liên tục loại bỏ không khí khỏi khoang màng phổi cho đến khi phổi nở trở lại và lành thương.

Sửa chữa không phẫu thuật
Nếu ống dẫn lưu ngực không làm phổi nở trở lại, các lựa chọn không phẫu thuật để đóng lỗ rò khí có thể bao gồm:

    • Sử dụng một chất làm các mô xung quanh phổi dính lại với nhau và bịt kín lỗ rò. Điều này có thể được thực hiện thông qua ống dẫn lưu ngực, nhưng có thể được thực hiện trong khi phẫu thuật.
    • Lấy máu từ cánh tay và đặt vào ống dẫn lưu ngực. Máu tạo ra một màng fibrin trên phổi (miếng vá máu tự thân), bịt kín lỗ rò khí.
    • Luồn một ống nhỏ (ống soi phế quản) xuống cổ họng và vào phổi để quan sát phổi và đường dẫn khí, đồng thời đặt một van một chiều. Van cho phép phổi nở rộng trở lại và lỗ rò khí lành lại.

Phẫu thuật
Đôi khi có thể cần phẫu thuật để đóng lỗ rò khí. Trong hầu hết các trường hợp, phẫu thuật có thể được thực hiện thông qua các vết rạch nhỏ, sử dụng một camera sợi quang nhỏ và các dụng cụ phẫu thuật có cán dài, hẹp. Bác sĩ phẫu thuật sẽ tìm kiếm vị trí bị rò khí hoặc kén khí bị vỡ và đóng lại. Hiếm khi, bác sĩ phẫu thuật sẽ phải rạch một đường lớn hơn giữa các xương sườn để tiếp cận tốt hơn với nhiều lỗ rò khí hoặc lỗ rò khí lớn hơn.

Chăm sóc hỗ trợ chung
Bạn có thể cần tránh một số hoạt động gây thêm áp lực lên phổi trong một thời gian sau khi tràn khí màng phổi hồi phục. Ví dụ như bay, lặn biển hoặc chơi nhạc cụ hơi. Trao đổi với bác sĩ về loại và thời gian hạn chế hoạt động của bạn. Tuân theo lịch hẹn tái khám với bác sĩ để theo dõi quá trình lành bệnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *