Thận ứ nước thường xảy ra khi thận to lên do nước tiểu không ra khỏi thận đến bàng quang như bình thường. Điều này thường chỉ ảnh hưởng đến một quả thận, nhưng có thể liên quan đến cả hai.
Thận ứ nước không phải là một bệnh nguyên phát. Đó là tình trạng thứ phát do một số bệnh nền khác gây ra. Nó có thể do nguyên nhân cấu trúc và là kết quả của sự tắc nghẽn trong đường tiết niệu. Thận ứ nước được ghi nhận có ảnh hưởng đến khoảng 1 trên 100 trẻ sơ sinh.
Các triệu chứng của bệnh thận ứ nước là gì?
Thông thường, nước tiểu chảy trong đường tiết niệu với áp lực tối thiểu. Áp lực có thể tăng lên nếu có tắc nghẽn trong đường tiết niệu. Sau khi nước tiểu tích tụ trong một thời gian dài, thận có thể to ra.
Thận bị ứ nước tiểu đến mức nó bắt đầu chèn ép lên các cơ quan lân cận. Nếu để lây không được điều trị, áp lực này có thể khiến thận của bạn mất chức năng vĩnh viễn.
Các triệu chứng nhẹ của bệnh thận ứ nước bao gồm đi tiểu thường xuyên và tăng cảm giác muốn đi tiểu. Các triệu chứng nghiêm trọng khác mà bạn có thể gặp phải là:
- đau bụng hoặc đau hông lưng
- buồn nôn
- nôn ói
- đau khi đi tiểu
- đi tiểu không hết
- sốt
Việc gián đoạn dòng nước tiểu làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Đây là lý do tại sao UTI là một trong những biến chứng phổ biến nhất của bệnh thận ứ nước. Một số dấu hiệu của UTI bao gồm:
- nước tiểu đục
- tiểu đau
- tiểu rát
- dòng nước tiểu yếu
- đau lưng
- đau bàng quang
- sốt
- ớn lạnh
Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu của thận ứ nước, hãy đi khám bác sĩ. UTI không được điều trị có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng hơn như viêm đài bể thận, nhiễm trùng tiểu và nhiễm trùng huyết.
Nguyên nhân gây ra thận ứ nước?
Thận ứ nước không phải là một căn bệnh. Thay vào đó, nó có thể do các tình trạng bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến thận.
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh thận ứ nước là bệnh tiết niệu tắc nghẽn cấp tính một bên. Đây là sự xuất hiện đột ngột của tắc nghẽn ở một trong các niệu quản, đây là các ống nối thận với bàng quang. Nguyên nhân phổ biến nhất gây tắc nghẽn này là sỏi thận, nhưng sẹo và cục máu đông cũng có thể gây ra bệnh tắc nghẽn đường tiết niệu một bên cấp tính. Niệu quản bị tắc có thể khiến nước tiểu chảy ngược vào thận. Dòng nước tiểu chảy ngược này được gọi là trào ngược bàng quang niệu quản (VUR).
Các nguyên nhân khác gây tắc nghẽn bao gồm:
- hẹp khúc nối bể thận – niệu quản
- phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới, có thể là do tăng sinh tuyến tiền liệt lành tính (BPH) hoặc viêm tuyến tiền liệt
- mang thai, gây ra sự chèn ép do thai nhi đang phát triển
- khối u trong hoặc gần niệu quản
- hẹp niệu quản do chấn thương hoặc dị tật bẩm sinh
Chẩn đoán thận ứ nước như thế nào?
Việc chẩn đoán càng sớm càng tốt là vô cùng quan trọng. Thận của bạn có thể bị tổn thương vĩnh viễn nếu tình trạng này không được điều trị quá lâu.
Bác sĩ thường sẽ bắt đầu bằng cách khám tổng thể về tình trạng sức khỏe của bạn và sau đó tập trung vào bất kỳ triệu chứng tiết niệu mà bạn gặp phải. Họ cũng có thể cảm nhận thận to bằng cách khám bụng. Bác sĩ có thể sử dụng ống thông để dẫn lưu một ít nước tiểu từ bàng quang. Nếu họ không thể dẫn lưu nước tiểu theo cách này, điều đó có thể gợi ý rằng tắc nghẽn nằm ở vị trí bàng quang hoặc niệu đạo. Niệu đạo là một ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể.
Bác sĩ cũng có thể đề nghị siêu âm thận hoặc chụp CT để xem xét kỹ hơn mức độ ứ nước và có thể định vị được vị trí tắc nghẽn. Cả hai hình ảnh học này đều cho phép bác sĩ quan sát bên trong cơ thể bạn, nhưng siêu âm thận thường được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh thận ứ nước.
Các lựa chọn điều trị cho bệnh thận ứ nước là gì?
Điều trị thận ứ nước chủ yếu tập trung vào việc loại bỏ tắc nghẽn gây cản trở dòng nước tiểu. Lựa chọn điều trị mà bác sĩ lựa chọn sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây tắc nghẽn.
Nếu niệu quản bị tắc gây ra tình trạng thận ứ nước, bác sĩ có thể cần thực hiện các thao tác sau đây:
- đặt stent niệu quản, đây là một ống dẫn lưu nước tiểu từ niệu quản chảy vào bàng quang
- đặt ống thông qua thận, cho phép nước tiểu bị tắc chảy ra ngoài từ phía sau lưng
- kê đơn thuốc kháng sinh để kiểm soát nhiễm trùng
Bác sĩ có thể phải loại bỏ tắc nghẽn bằng phẫu thuật. Nếu có thứ gì đó như mô sẹo hoặc cục máu đông gây tắc nghẽn, bác sĩ có thể loại bỏ hoàn toàn vùng bị ảnh hưởng. Sau đó, họ sẽ nối lại các hai đầu của niệu quản để khôi phục dòng nước tiểu bình thường.
Nếu nguyên nhân gây thận ứ nước là do sỏi thận, bạn có thể cần phẫu thuật để loại bỏ sỏi. Để làm điều này, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật nội soi. Điều này làm giảm đáng kể thời gian lành bệnh và phục hồi của bạn.
Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc kháng sinh. Điều này sẽ giúp phòng ngừa không bị nhiễm trùng thận.
Tiên lượng lâu dài là gì?
Nếu bạn được điều trị sớm, tiên lượng của bạn là tốt. Việc loại bỏ tắc nghẽn là điều cần thiết để thận trở lại hoạt động bình thường. Nếu thận ứ nước của bạn cần phải phẫu thuật, tỷ lệ thành công để hồi phục hoàn toàn ước tính là 95%.