THAI NGOÀI TỬ CUNG

Thai ngoài tử cung là một tình trạng cần được chăm sóc y tế kịp thời. Các triệu chứng bao gồm đau bụng dữ dội, đau vùng chậu, vai hoặc cổ kèm chóng mặt hoặc ngất.

Từ lúc thụ tinh đến lúc sinh, quá trình mang thai trải qua một số giai đoạn trong cơ thể người phụ nữ. Một trong những giai đoạn này là khi trứng được thụ tinh di chuyển đến tử cung để làm tổ. Trong trường hợp có thai ngoài tử cung, trứng đã thụ tinh không bám vào tử cung. Thay vào đó, nó có thể bám vào ống dẫn trứng, khoang bụng hoặc cổ tử cung.

Mặc dù xét nghiệm thử thai có thể cho thấy người phụ nữ đang mang thai nhưng trứng đã thụ tinh không thể phát triển bình thường ở bất kỳ nơi nào khác ngoài tử cung. Theo Học viện Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ (AAFP), thai ngoài tử cung xảy ra ở khoảng 1 trên 50 trường hợp mang thai.

Thai ngoài tử cung không được điều trị có thể là một trường hợp cấp cứu sản khoa. Điều trị kịp thời giúp giảm nguy cơ biến chứng do thai ngoài tử cung, tăng cơ hội mang thai khỏe mạnh và giảm các biến chứng về sức khỏe trong tương lai.

Nguyên nhân nào gây ra thai ngoài tử cung?
Nguyên nhân mang thai ngoài tử cung không phải lúc nào cũng rõ ràng. Trong một số trường hợp, các tình trạng sau đây có liên quan đến thai ngoài tử cung:

  • viêm và sẹo ống dẫn trứng do tình trạng bệnh lý, nhiễm trùng hoặc phẫu thuật trước đó
  • yếu tố nội tiết
  • bất thường di truyền
  • dị tật bẩm sinh
  • tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến cấu trúc và tình trạng của ống dẫn trứng và cơ quan sinh sản

Ai có nguy cơ mang thai ngoài tử cung?
Tất cả phụ nữ có hoạt động tình dục đều có nguy cơ mang thai ngoài tử cung. Các yếu tố nguy cơ tăng lên trong các trường hợp sau đây:

  • mẹ từ 35 tuổi trở lên
  • tiền sử phẫu thuật vùng chậu, phẫu thuật bụng hoặc phá thai nhiều lần
  • tiền sử viêm nhiễm vùng chậu
  • tiền sử lạc nội mạc tử cung
  • có thai mặc dù đã thắt ống dẫn trứng hoặc đặt dụng cụ tử cung
  • hỗ trợ sinh sản
  • hút thuốc lá
  • tiền sử mang thai ngoài tử cung
  • tiền sử mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD), chẳng hạn như bệnh lậu hoặc Chlamydia
  • có cấu trúc bất thường ở ống dẫn trứng khiến trứng khó di chuyển

Nếu bạn có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào ở trên, hãy trao đổi với bác sĩ. Bạn có thể tham vấn với bác sĩ chuyên khoa sản để giảm thiểu nguy cơ cho việc mang thai ngoài tử cung trong tương lai.

Các triệu chứng của thai ngoài tử cung là gì?
Buồn nôn và đau vú là những triệu chứng thường gặp ở cả thai ngoài tử cung và thai trong tử cung. Các triệu chứng sau đây phổ biến hơn ở thai ngoài tử cung và có thể gợi ý một tình huống cấp cứu sản khoa:

  • những cơn đau bụng dữ dội, vùng chậu, vai hoặc cổ
  • đau dữ dội một bên bụng
  • chảy máu âm đạo từ nhẹ đến nặng
  • chóng mặt hoặc ngất xỉu
    Bạn nên báo với bác sĩ ngay nếu biết mình đang mang thai và có bất kỳ triệu chứng nào ở trên.

Chẩn đoán thai ngoài tử cung
Nếu bạn nghi ngờ mình có thể mang thai ngoài tử cung, hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức. Thai ngoài tử cung không thể được chẩn đoán bằng khám thực thể. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn có thể thực hiện một xét nghiệm để loại trừ các yếu tố khác.

Một bước khác để chẩn đoán là siêu âm qua ngã âm đạo. Đây là phương pháp đưa đầu dò siêu âm vào âm đạo để bác sĩ có thể quan sát xem liệu túi thai có ở trong tử cung hay không.

Bác sĩ cũng sử dụng xét nghiệm máu để xác định nồng độ hCG và progesterone của bạn. Đây là những hormone hiện diện trong thai kỳ. Nếu nồng độ hormone này bắt đầu giảm hoặc giữ nguyên trong vài ngày và không thấy túi thai khi siêu âm thì có khả năng thai ngoài tử cung.

Nếu bạn gặp các triệu chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như đau nhiều hoặc chảy máu âm đạo, có thể không có đủ thời gian để thực hiện tất cả các bước này. Ống dẫn trứng có thể bị vỡ trong tình huống này, gây xuất huyết nội nghiêm trọng. Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật khẩn để cấp cứu kịp thời.

Điều trị thai ngoài tử cung
Mang thai ngoài tử cung không an toàn cho người mẹ. Ngoài ra, phôi sẽ không thể phát triển đủ thời gian. Cần phải loại bỏ phôi càng sớm càng tốt để đảm bảo sức khỏe trước mắt và khả năng sinh sản lâu dài của người mẹ. Các lựa chọn điều trị khác nhau tùy thuộc vào vị trí của thai ngoài tử cung và sự phát triển của thai.

Thuốc
Bác sĩ có thể quyết định rằng các biến chứng ngay lập tức khó có thể xảy ra. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ kê toa một số loại thuốc có thể giữ cho khối thai ngoài tử cung không bị vỡ. Theo AAFP, một loại thuốc được dùng trong trường hợp này là methotrexate (Rheumatrex).

Methotrexate là một loại thuốc ngăn chặn sự phát triển của các tế bào đang phân chia nhanh chóng, chẳng hạn như các tế bào của khối thai ngoài tử cung. Thuốc này dùng đường tiêm. Bạn cũng nên xét nghiệm máu thường xuyên để đảm bảo thuốc có hiệu quả. Khi có hiệu quả, thuốc sẽ gây ra các triệu chứng tương tự như sẩy thai, bao gồm:

    • vọp bẻ
    • chảy máu
    • sự tống xuất của mô
      Phẫu thuật hiếm khi cần thiết sau khi các triệu chứng này xảy ra. Methotrexate không có nguy cơ gây tổn thương ống dẫn trứng như phẫu thuật. Tuy nhiên, bạn sẽ không thể mang thai trong vài tháng sau khi dùng thuốc.

Phẫu thuật
Nhiều bác sĩ phẫu thuật đề nghị loại bỏ phôi và sửa chữa lại tổn thương bên trong. Phương pháp này được gọi là phẫu thuật nội soi. Bác sĩ sẽ đưa một camera nhỏ qua một vết mổ nhỏ để đảm bảo họ có thể nhìn thấy bên trong ổ bụng. Sau đó, phôi sẽ được cắt bỏ và những tổn thương ở ống dẫn trứng sẽ được điều chỉnh lại.

Nếu không thành công, bác sĩ có thể lặp lại phẫu thuật mở bụng, lần này thông qua một vết mổ lớn hơn. Bác sĩ cũng có thể cần phải cắt bỏ ống dẫn trứng trong khi phẫu thuật nếu nó bị hỏng nhiều.

Chăm sóc tại nhà

Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cho bạn về việc chăm sóc vết mổ sau phẫu thuật. Mục tiêu chính là giữ cho vết mổ sạch sẽ và khô ráo trong khi lành. Kiểm tra chúng hàng ngày để phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng, bao gồm:

    • chảy máu liên tục
    • chảy máu quá nhiều
    • chảy dịch có mùi hôi từ vết mổ
    • nóng khi chạm vào
    • đỏ
    • sưng tấy

Bạn có thể bị chảy máu âm đạo nhẹ và có cục máu đông nhỏ sau phẫu thuật. Điều này có thể xảy ra đến sáu tuần sau phẫu thuật. Các biện pháp tự chăm sóc khác mà bạn có thể thực hiện bao gồm:

    • không nâng bất cứ thứ gì nặng hơn 10 pound
    • uống nhiều nước để ngăn ngừa táo bón
    • hạn chế quan hệ tình dục, sử dụng băng vệ sinh và thụt rửa
    • nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt trong tuần đầu tiên sau phẫu thuật, sau đó tăng cường hoạt động trong những tuần tiếp theo nếu dung nạp được

Luôn thông báo cho bác sĩ nếu cơn đau của bạn tăng lên hoặc bạn cảm thấy có gì đó không bình thường.

Phòng ngừa
Không thể dự đoán và phòng ngừa trong mọi trường hợp. Bạn có thể giảm thiểu nguy cơ thông qua việc duy trì sức khỏe sinh sản tốt. Đeo bao cao su khi quan hệ tình dục và hạn chế số lượng bạn tình. Điều này làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD), có thể gây ra bệnh viêm vùng chậu, một tình trạng có thể gây viêm ở ống dẫn trứng.

Khám phụ khoa định kỳ và sàng lọc bệnh STD thường xuyên. Áp dụng các bước để cải thiện sức khỏe bản thân, chẳng hạn như bỏ hút thuốc, cũng là một chiến lược phòng ngừa tốt.

Tiên lượng

Tiên lượng lâu dài sau khi mang thai ngoài tử cung phụ thuộc vào việc nó có gây ra bất kỳ tổn thương thực thể nào hay không. Hầu hết những người mang thai ngoài tử cung tiếp tục có thai kỳ khỏe mạnh. Nếu cả hai ống dẫn trứng vẫn còn nguyên vẹn hoặc thậm chí chỉ một ống dẫn trứng thì trứng vẫn có thể được thụ tinh như bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn có vấn đề về sinh sản từ trước, điều đó có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trong tương lai của bạn và làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung trong tương lai. Điều này đặc biệt xảy ra nếu vấn đề tồn tại từ trước đã dẫn đến mang thai ngoài tử cung.

Phẫu thuật có thể để lại sẹo ở ống dẫn trứng và có thể làm tăng khả năng mang thai ngoài tử cung trong tương lai. Nếu việc cắt bỏ một hoặc cả hai ống dẫn trứng là cần thiết, hãy nói chuyện với bác sĩ về các phương pháp hỗ trợ sinh sản có thể thực hiện được, ví dụ thụ tinh trong ống nghiệm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *