TĂNG HUYẾT ÁP KHÔNG ĐIỀU TRỊ CÓ LÀM TĂNG NGUY CƠ MẮC BỆNH ALZHEIMER?

  • Một nghiên cứu mới đã tìm thấy mối liên hệ giữa tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
  • Những người bị tăng huyết áp không được điều trị có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Tăng huyết áp có thể gây tổn thương não theo thời gian, dẫn đến suy giảm nhận thức.
  • Thuốc, chế độ ăn uống, tập thể dục và giảm stress có thể giúp hạ huyết áp.
  • Giữ cho trí óc luôn hoạt động và duy trì các mối quan hệ xã hội có thể bảo vệ bạn khỏi bệnh Alzheimer.

Một nghiên cứu mới được công bố trực tuyến vào ngày 14 tháng 8 năm 2024 trên tạp chí Thần kinh học (Neurology) cho thấy những người từ 60 tuổi trở lên bị tăng huyết áp không được điều trị có thể có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn. Nghiên cứu này được so sánh với những người đang hoặc đã được điều trị tăng huyết áp trước đó. Nghiên cứu cũng so sánh với những người không bị tăng huyết áp.

Theo Hiệp hội Alzheimer, bệnh Alzheimer ảnh hưởng đến gần 7 triệu người chỉ riêng tại Hoa Kỳ và đây là loại chứng sa sút trí tuệ phổ biến nhất, chiếm khoảng 60% đến 80% các trường hợp. Những người mắc bệnh Alzheimer gặp phải các vấn đề về trí nhớ và nhận thức nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Tuổi già là yếu tố nguy cơ số một của bệnh.

Mục tiêu của nghiên cứu là khảo sát tăng huyết áp không được điều trị ảnh hưởng đến nguy cơ mắc căn bệnh phổ biến này như thế nào.

Tăng huyết áp không được điều trị có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh Alzheimer
Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu thu thập số liệu từ hơn 31.000 người. Độ tuổi trung bình của những người tham gia nghiên cứu là 72 tuổi. Trong thời gian theo dõi trung bình là bốn năm, hơn 1.400 người trong số họ đã mắc bệnh Alzheimer.

Sau khi xem xét nhiều yếu tố khác nhau – chẳng hạn như chỉ số huyết áp, chẩn đoán tăng huyết áp và việc người đó có sử dụng thuốc để điều trị huyết áp hay không – nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng 9% không điều trị, 51% đang sử dụng thuốc, 36% không bị tăng huyết áp và 4% không chắc chắn về tình trạng của mình.

Sau khi điều chỉnh bất kỳ yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến kết quả, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng tăng huyết áp không được điều trị có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh Alzheimer tăng 36% so với những người không bị tăng huyết áp. Ngoài ra, nhóm này có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer tăng 42% khi so sánh với những người đang điều trị tăng huyết áp bằng thuốc.

Theo các tác giả nghiên cứu, điều này có thể hiểu rằng việc điều trị tăng huyết áp khi bạn già đi có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Tăng huyết áp có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer như thế nào
Tiến sĩ John Lowe, bác sĩ tại Restore Care, người không tham gia vào nghiên cứu, đã giải thích nguyên nhân tại sao tăng huyết áp có thể liên quan đến bệnh Alzheimer.

“Tăng huyết áp có thể gây tổn thương cho các mạch máu não, đặc biệt là các mạch máu nhỏ, và điều này dẫn đến tình trạng cung cấp máu không đủ cho các bộ phận quan trọng của não”, ông nói. Theo Lowe, khi não không nhận đủ máu, điều này có thể dẫn đến giảm chức năng, có thể biểu hiện thành suy giảm nhận thức.

“Một điều nữa là huyết áp cao là một yếu tố nguy cơ gây ra chứng sa sút trí tuệ do mạch máu, có thể xảy ra cùng với bệnh Alzheimer và khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn”, ông nói.

Cách giảm huyết áp
Tiến sĩ John Higgins, giáo sư và bác sĩ tim mạch tại UTHealth Houston, người cũng không tham gia vào nghiên cứu, đã chỉ ra một số bước ngoài việc sử dụng thuốc có thể làm giảm huyết áp cao.

Một là giảm lượng muối nạp vào. Higgins khuyên nên áp dụng chế độ ăn DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension – Phương pháp tiếp cận chế độ ăn uống để ngăn ngừa tăng huyết áp). Tuy nhiên, chế độ ăn chay hoặc Địa Trung Hải cũng có thể tốt, ông nói.

Kali cũng có thể giúp hạ huyết áp, vì vậy bạn có thể thử sử dụng chất thay thế muối có chứa kali để giảm lượng natri nạp vào. Tuy nhiên, trước tiên bạn nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ vì kali có thể gây ra vấn đề cho những người mắc các bệnh như bệnh thận, bệnh tim, bệnh gan và tiểu đường.

Higgins cũng khuyên bạn nên ăn đồ nướng hoặc hấp thay vì hun khói, chế biến sẵn hoặc chiên vì chúng sẽ chứa ít muối hơn. Ngoài ra, ông khuyên bạn nên tập thể dục đủ. Ông cho biết, hãy đặt mục tiêu ≥150 phút tập luyện mỗi tuần. Bên cạnh đó, theo Higgins, các bài tập thở, thiền và yoga đều là những cách tuyệt vời để giảm stress.

Cách giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer
“Việc giảm bệnh Alzheimer là một vấn đề đa chiều và đòi hỏi phải giải quyết nhiều yếu tố về lối sống và sức khỏe”, Lowe cho biết.

Trong số các yếu tố bạn cần chú ý là:

  • Kích thích đầu óc. Ông cho biết “Tham gia các hoạt động trí óc như giải câu đố, đọc sách và học các kỹ năng mới có thể giúp tạo ra một nguồn dự trữ nhận thức có thể làm chậm các triệu chứng của bệnh Alzheimer”.
  • Hoạt động thể chất. Lowe lưu ý rằng tập thể dục có thể có tác dụng kép, giúp kiểm soát huyết áp và sức khỏe não bộ nói chung. Ông giải thích “Nó thúc đẩy lưu lượng máu đến não và theo cách này, có thể làm giảm các mảng bám amyloid”.
  • Sức khỏe tim mạch. Lowe cho biết việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch – như tăng huyết áp, tiểu đường và cholesterol máu cao – cũng đóng vai trò trong việc bảo vệ não và giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh. “Ăn chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa, axit béo omega-3 và ít chất béo bão hòa có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer”, ông nói, lưu ý rằng chế độ ăn Địa Trung Hải đã được chứng minh là có tác dụng bảo vệ chống lại tình trạng suy giảm nhận thức.
  • Giao lưu xã hội. “Duy trì mối quan hệ xã hội chặt chẽ với người khác trong khi cùng nhau tham gia các hoạt động giúp cải thiện sức khỏe tinh thần, từ đó có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer”, Lowe kết luận.

Tóm lại

Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng tăng huyết áp không được điều trị làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Các chuyên gia cho biết theo thời gian, huyết áp cao có thể gây tổn thương, dẫn đến giảm lưu thông máu trong não. Điều này khiến mọi người có nguy cơ suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ.

Ngoài việc dùng thuốc theo toa, mọi người có thể thay đổi lối sống như ăn uống lành mạnh, tập thể dục và kiểm soát stress để giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp.

Để phòng ngừa bệnh Alzheimer, bạn cần nhận thức và kiểm soát nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh. Ngoài việc ăn uống lành mạnh, tập thể dục và kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch, hãy giữ cho trí óc luôn hoạt động và tham gia các hoạt động xã hội có thể giúp ngăn ngừa bệnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *