SỐT TINH HỒNG NHIỆT

Tổng quan

Sốt tinh hồng nhiệt (còn gọi là sốt ban đỏ) là một bệnh do vi khuẩn gây bệnh viêm họng liên cầu khuẩn gây ra. Bệnh có đặc điểm là phát ban đỏ tươi bao phủ khắp cơ thể. Sốt tinh hồng nhiệt hầu như luôn bao gồm đau họng và sốt cao.

Sốt tinh hồng nhiệt
Phát ban trong bệnh sốt tinh hồng nhiệt thường bắt đầu ở mặt hoặc cổ, sau đó lan xuống ngực, thân, tay và chân.

Bệnh thường gặp nhất ở trẻ em từ 5 đến 15 tuổi. Mặc dù sốt tinh hồng nhiệt từng được coi là một căn bệnh nghiêm trọng ở trẻ em, nhưng việc điều trị bằng kháng sinh đã khiến căn bệnh này bớt nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng hơn ảnh hưởng đến tim, thận và các bộ phận khác của cơ thể.

Triệu chứng
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bao gồm:

  • Phát ban đỏ. Phát ban trông giống vết cháy nắng và có cảm giác như giấy nhám. Nó thường bắt đầu ở mặt hoặc cổ và lan xuống thân, cánh tay và chân.
  • Vết lằn đỏ. Các nếp da quanh háng, nách, khuỷu tay, đầu gối và cổ thường có màu đỏ đậm hơn các vùng da khác bị phát ban.
  • Mặt đỏ bừng. Khuôn mặt có thể đỏ bừng với một vòng nhạt màu quanh miệng.
  • Lưỡi dâu. Lưỡi nhìn chung có màu đỏ và mấp mô, thường được bao phủ bởi một lớp màu trắng ở giai đoạn đầu của bệnh.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh sốt tinh hồng nhiệt cũng bao gồm:

  • Sốt từ 38,0 độ C trở lên, thường kèm theo ớn lạnh
  • Cổ họng rất đau và đỏ, đôi khi có mảng trắng hoặc hơi vàng
  • Khó nuốt
  • Hạch cổ
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Đau bụng
  • Đau đầu và đau nhức toàn thân
  • Phát ban và mẩn đỏ ở mặt và lưỡi thường kéo dài khoảng một tuần. Sau khi các dấu hiệu và triệu chứng này biến mất, vùng da bị phát ban thường bong tróc.

Khi nào cần gặp bác sĩ
Cần đi khám bác sĩ nếu con bạn bị đau họng kèm với:

  • Sốt từ 38,0 độ C trở lên
  • Sưng đau các tuyến ở cổ
  • Phát ban đỏ

Các dấu hiệu và triệu chứng cần đánh giá khẩn cấp
Ở trẻ em và thanh thiếu niên, bất kỳ triệu chứng nào sau đây đều cần được đánh giá khẩn cấp:

    • Khó thở mới xuất hiện khi nghỉ ngơi
    • Khó thở (thở rên, co kéo cơ liên sườn, cánh mũi phập phồng)
    • Tiếng thở ồn ào, khò khè hoặc khàn giọng không mất đi sau ho
    • Thở nhanh
    • Đau ngực
    • Không thể nuốt chất lỏng hoặc nước bọt, giọng nghẹt hoặc không thể mở miệng hoàn toàn
    • Lừ đừ, thiếu năng lượng hoặc không tỉnh táo
    • Chóng mặt khi ngồi hoặc đứng
    • Chảy nước miếng (nếu từ 3 tuổi trở lên)
    • Nôn ói hoặc tiêu chảy kéo dài hoặc nghiêm trọng
    • Mất nước

Đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi, các triệu chứng bổ sung cần được đánh giá khẩn cấp bao gồm:

    • Quấy khóc khó dỗ
    • Cơn ngưng thở lặp lại
    • Nhiệt độ dưới 35,5 C hoặc lớn hơn 38 C

Nguyên nhân
Sốt tinh hồng nhiệt là do cùng loại vi khuẩn gây viêm họng do liên cầu khuẩn – liên cầu khuẩn nhóm A. Trong bệnh sốt tinh hồng nhiệt, vi khuẩn tiết ra độc tố gây phát ban và lưỡi đỏ.

Nhiễm trùng lây lan từ người này sang người khác qua những giọt nước bắn ra khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. Thời gian ủ bệnh – thời gian từ khi tiếp xúc đến khi bị bệnh – thường là từ 2 đến 4 ngày.

Các yếu tố nguy cơ
Trẻ em từ 5 đến 15 tuổi có nhiều khả năng bị bệnh sốt ban đỏ hơn những người khác. Vi trùng gây bệnh lây lan dễ dàng hơn giữa những người tiếp xúc gần, chẳng hạn như các thành viên trong gia đình, nhóm người chăm sóc trẻ hoặc bạn cùng lớp.

Sốt tinh hồng nhiệt thường xảy ra nhất sau khi bị viêm họng liên cầu khuẩn. Đôi khi bệnh có thể xảy ra sau khi bị nhiễm trùng da, chẳng hạn như bệnh chốc lở. Mọi người có thể bị sốt ban đỏ nhiều lần.

Biến chứng
Nếu bệnh ban đỏ không được điều trị, vi khuẩn có thể lây lan sang:

  • Amiđan
  • Da
  • Máu
  • Tai giữa
  • Xoang
  • Phổi
  • Tim
  • Thận
  • Khớp

Hiếm khi sốt ban đỏ có thể dẫn đến thấp khớp, một bệnh viêm nhiễm nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến tim, khớp, hệ thần kinh và da.

Phòng ngừa
Không có vắc-xin để ngăn ngừa bệnh sốt tinh hồng nhiệt. Những cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh sốt ban đỏ cũng giống như các biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng khác:

  • Rửa tay. Hướng dẫn cho con cách rửa tay kỹ bằng nước xà phòng ấm trong ít nhất 20 giây. Có thể sử dụng chất sát trùng tay chứa cồn nếu không có xà phòng và nước.
  • Không dùng chung dụng cụ ăn uống hoặc thức ăn. Theo nguyên tắc, con bạn không nên dùng chung ly uống nước hoặc dụng cụ ăn uống với bạn bè.
  • Che miệng và mũi. Yêu cầu con che miệng và mũi khi ho và hắt hơi để ngăn chặn khả năng lây lan của vi trùng.

Nếu con bạn bị bệnh sốt tinh hồng nhiệt, hãy rửa ly uống nước và đồ dùng bằng nước xà phòng nóng sau khi con sử dụng.

Chẩn đoán

Trong quá trình khám bệnh, bác sĩ sẽ:

  • Khám họng, amidan và lưỡi của trẻ
  • Sờ tìm hạch cổ
  • Đánh giá sự xuất hiện và tính chất của ban da

Phết họng
Nếu bác sĩ nghi ngờ liên cầu khuẩn là nguyên nhân gây bệnh cho con trẻ, họ sẽ phết amidan và sau thành sau họng lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tìm liên cầu khuẩn.

Xét nghiệm kiểm tra nhanh liên cầu có thể xác định sự hiện diện của vi khuẩn một cách nhanh chóng. Nếu test nhanh cho kết quả âm tính nhưng bác sĩ vẫn cho rằng liên cầu khuẩn là nguyên nhân gây bệnh cho con thì có thể thực hiện nuôi cấy bệnh phẩm. Có thể mất nhiều thời gian hơn để có được kết quả của xét nghiệm này này.

Các xét nghiệm tìm vi khuẩn liên cầu rất quan trọng vì một số tình trạng có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh sốt tinh hồng nhiệt và những bệnh này có thể cần các phương pháp điều trị khác nhau.

Điều trị
Đối với bệnh sốt tinh hồng nhiệt, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh. Hãy đảm bảo chắc chắn rằng con bạn dùng tất cả các loại thuốc theo chỉ dẫn. Nếu con không tuân theo các hướng dẫn điều trị, việc điều trị có thể không loại bỏ hoàn toàn tình trạng nhiễm trùng, điều này có thể làm tăng nguy cơ phát triển các biến chứng.

Sử dụng ibuprofen hoặc acetaminophen để hạ sốt và giảm đau họng. Xin ý kiến bác sĩ về liều lượng phù hợp. Con bạn có thể trở lại trường học sau khi uống thuốc kháng sinh ít nhất 12 giờ và hết sốt.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *