PHÙ PHỔI: CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

Tổng quan

Phù phổi là tình trạng gây ra do tích tụ quá nhiều dịch trong phổi. Dịch tích tụ trong nhiều túi khí phế nang, khiến việc thở trở nên khó khăn.

Trong hầu hết các trường hợp, các vấn đề về tim gây ra phù phổi. Nhưng dịch có thể tích tụ trong phổi vì những lý do khác. Bao gồm viêm phổi, tiếp xúc với một số chất độc, thuốc, chấn thương thành ngực.

Phù phổi nếu xảy ra đột ngột (phù phổi cấp) là trường hợp cấp cứu y tế cần được xử trí ngay lập tức. Phù phổi đôi khi có thể gây tử vong. Điều trị phù phổi tùy thuộc vào nguyên nhân nhưng thường đi kèm thở oxy và thuốc.

Các yếu tố nguy cơ

Suy tim và các bệnh tim khác làm tăng áp lực trong tim tăng nguy cơ phù phổi. Các yếu tố nguy cơ gây suy tim bao gồm:

  • Nhịp tim không đều (loạn nhịp tim)
  • Sử dụng rượu
  • Bệnh tim bẩm sinh
  • Bệnh động mạch vành
  • Bệnh tiểu đường
  • Bệnh van tim
  • Huyết áp cao
  • Ngưng thở khi ngủ

Một số vấn đề về hệ thần kinh và tổn thương phổi do đuối nước, sử dụng ma túy, hít phải khói thuốc, bệnh do vi-rút và cục máu đông cũng làm tăng nguy cơ.

Những người đi đến các địa điểm ở độ cao trên 2.400 mét có nhiều khả năng bị phù phổi ở độ cao (HAPE). Tình trạng này thường ảnh hưởng đến những người không dành thời gian – vài ngày đến một tuần hoặc lâu hơn – để làm quen với độ cao.

Trẻ em đã có tình trạng cao áp phổi và các tật tim về cấu trúc có thể dễ bị HAPE hơn.

Biến chứng

Biến chứng của phù phổi phụ thuộc vào nguyên nhân. Nhìn chung, nếu phù phổi tiến triển, áp lực trong động mạch phổi có thể tăng lên (tăng áp phổi). Cuối cùng, tim trở nên yếu và bắt đầu suy, áp lực trong tim và phổi tăng lên.

Biến chứng phù phổi có thể bao gồm:

  • Khó thở
  • Phù chân, bàn chân và bụng
  • Tràn dịch màng phổi
  • Sung huyết gan

Cần điều trị ngay lập tức đối với phù phổi cấp để ngăn ngừa tử vong.

Chẩn đoán

Các vấn đề về hô hấp cần được chẩn đoán và điều trị ngay lập tức. Bác sĩ có thể dựa vào các triệu chứng và kết quả khám lâm sàng cùng một số xét nghiệm để chẩn đoán phù phổi. Khi tình trạng bệnh ổn định hơn, bác sĩ có thể hỏi về tiền sử bệnh, đặc biệt là tiền sử bệnh tim mạch hoặc bệnh phổi.

Các xét nghiệm có thể giúp chẩn đoán phù phổi hoặc xác định nguyên nhân gây ra dịch trong phổi bao gồm:

  • Chụp X-quang ngực. Chụp X-quang ngực có thể xác nhận chẩn đoán phù phổi và loại trừ các nguyên nhân có thể gây khó thở khác. Đây thường là xét nghiệm đầu tiên được thực hiện khi nghi ngờ phù phổi.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) ngực. Chụp cắt lớp vi tính (CT) ngực cung cấp thêm thông tin chi tiết về tình trạng của phổi. Nó có thể giúp chẩn đoán hoặc loại trừ phù phổi.
  • Đo nồng độ oxy trong máu. Một cảm biến được gắn vào ngón tay hoặc tai. Cảm biến này sử dụng ánh sáng để xác định lượng oxy trong máu.
  • Xét nghiệm khí máu động mạch. Xét nghiệm này đo lượng oxy và carbon dioxide trong máu.
  • Xét nghiệm nồng độ natriuretic peptide loại B (BNP) trong máu. Nồng độ peptide natriuretic B (BNP) tăng cao có thể gợi ý tình trạng bệnh tim.
  • Các xét nghiệm máu khác. Các xét nghiệm máu để chẩn đoán phù phổi và nguyên nhân của phù phổi thường bao gồm công thức máu, xét nghiệm sinh hóa kiểm tra chức năng thận và xét nghiệm chức năng tuyến giáp.
  • Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG). ECG giúp phát hiện và ghi lại thời gian và cường độ tín hiệu của tim. Xét nghiệm này sử dụng các điện cực gắn vào ngực và đôi khi gắn vào cánh tay hoặc chân. Dây kết nối các điện cực với máy, máy sẽ hiển thị hoặc in kết quả. Điện tâm đồ có thể cho thấy các dấu hiệu dày thành tim hoặc cơn đau tim trước đó. Có thể sử dụng thiết bị di động như máy theo dõi Holter để liên tục theo dõi nhịp tim tại nhà.
  • Siêu âm tim. Siêu âm tim sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh tim đang đập. Siêu âm có thể xác định các vùng lưu lượng máu kém, các vấn đề về van tim và cơ tim không hoạt động bình thường. Siêu âm tim có thể giúp chẩn đoán dịch xung quanh tim (tràn dịch màng ngoài tim).
  • Thông tim và chụp động mạch vành. Kĩ thuật này có thể được thực hiện nếu các xét nghiệm khác không cho thấy nguyên nhân gây phù phổi hoặc khi có đau ngực. Nó giúp nhìn thấy tình trạng tắc nghẽn trong động mạch tim. Một ống dài, mềm dẻo (ống thông) được đưa vào mạch máu, thường ở háng hoặc cổ tay. Ống thông được dẫn đến tim. Thuốc nhuộm chảy qua ống thông đến các động mạch trong tim. Thuốc nhuộm giúp các động mạch hiển thị rõ hơn trên hình ảnh X-quang và video.
  • Siêu âm phổi. Sử dụng sóng âm để đo lưu lượng máu qua phổi. Phương pháp này có thể nhanh chóng phát hiện các dấu hiệu tích tụ dịch và tràn dịch màng phổi.

Điều trị

Phương pháp điều trị đầu tiên cho phù phổi cấp là oxy. Thở oxy qua mặt nạ hoặc ống nhựa mềm có hai lỗ (oxy cannula) đưa oxy vào mỗi bên mũi. Phương pháp này sẽ làm giảm một số triệu chứng. Nhân viên y tế sẽ theo dõi mức oxy. Đôi khi có thể cần hỗ trợ thở bằng máy như máy thở cơ học hoặc máy cung cấp áp lực đường thở dương.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh và nguyên nhân gây phù phổi, phương pháp điều trị có thể bao gồm một hoặc nhiều loại thuốc sau:

  • Thuốc lợi tiểu. Chẳng hạn như furosemide, làm giảm áp lực do lượng dịch dư thừa trong tim và phổi.
  • Thuốc điều trị huyết áp. Những loại thuốc này giúp kiểm soát huyết áp cao hoặc thấp, có thể xảy ra khi bị phù phổi. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc làm giảm áp lực đi vào hoặc ra khỏi tim. Ví dụ về các loại thuốc như vậy là nitroglycerin (Nitromist, Nitrostat, các loại khác) và nitroprusside (Nitropress).
  • Thuốc tăng co bóp. Loại thuốc này được truyền qua đường tĩnh mạch cho những trường hợp bị suy tim nặng. Thuốc tăng co bóp tim cải thiện chức năng bơm máu của tim và duy trì huyết áp.
  • Morphine. Thuốc giảm đau này có thể được uống hoặc tiêm tĩnh mạch để giảm tình trạng khó thở và lo lắng. Nhưng một số nghiên cứu cho rằng rủi ro của morphine có thể lớn hơn lợi ích. Hiện nay, thuốc ít được sử dụng để điều trị phù phổi.

Điều quan trọng là phải chẩn đoán và điều trị bất kỳ vấn đề nào về hệ thần kinh hoặc nguyên nhân gây suy tim.

Điều trị phù phổi do độ cao (HAPE)

Oxy thường là phương pháp điều trị đầu tiên. Ngoài ra:

    • Ngay lập tức đi xuống độ cao thấp hơn. Đối với những người ở độ cao lớn có các triệu chứng nhẹ của phù phổi do độ cao (HAPE), cần đi xuống độ cao từ 300 đến 1.000 mét càng nhanh càng tốt. Một người bị HAPE nghiêm trọng có thể cần sự hỗ trợ cứu hộ để xuống núi.
    • Ngừng tập thể dục và giữ ấm. Hoạt động thể chất và lạnh có thể làm phù phổi nặng hơn.
    • Thuốc. Một số người leo núi dùng thuốc theo toa như acetazolamide hoặc nifedipine để giúp điều trị hoặc ngăn ngừa các triệu chứng của HAPE. Để ngăn ngừa HAPE, họ bắt đầu dùng thuốc ít nhất một ngày trước khi lên cao hơn.

Phòng ngừa

Bạn có thể phòng ngừa phù phổi bằng cách kiểm soát các tình trạng tim hoặc phổi hiện có và duy trì lối sống lành mạnh.

Ví dụ, kiểm soát cholesterol và huyết áp có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Thực hiện theo các mẹo sau để giữ cho tim khỏe mạnh:

  • Thực hiện chế độ ăn lành mạnh giàu trái cây tươi, rau, ngũ cốc nguyên hạt, sữa không béo hoặc ít béo và nhiều loại protein.
  • Không hút thuốc.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Hạn chế muối và rượu.
  • Kiểm soát stress.
  • Kiểm soát cân nặng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *