Tổng quan
Loét miệng, còn gọi là loét áp-tơ, là những tổn thương nhỏ, nông xuất hiện bên trong ở niêm mạc miệng hoặc chân nướu. Không giống như mụn nước quanh môi, loét miệng không xuất hiện trên bề mặt môi và không lây nhiễm. Tuy nhiên, chúng có thể gây đau, khiến việc ăn uống và nói chuyện trở nên khó khăn.
Hầu hết các vết loét miệng áp-tơ sẽ tự khỏi sau một hoặc hai tuần. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc nha sĩ nếu bạn có vết loét miệng lớn hoặc đau bất thường hoặc vết loét miệng lâu lành.
Triệu chứng
Hầu hết các vết loét miệng áp-tơ có dạng hình tròn hoặc hình bầu dục với phần giữa màu trắng hoặc vàng và viền đỏ. Chúng hình thành bên trong miệng – trên hoặc dưới lưỡi, bên trong má hoặc môi, ở chân nướu hoặc trên khẩu cái mềm. Bạn có thể nhận thấy cảm giác ngứa hoặc nóng rát một hoặc hai ngày trước khi vết loét thực sự xuất hiện.
Có nhiều loại loét miệng áp-tơ, bao gồm vết loét nhỏ, lớn và dạng herpes.
Loét miệng áp-tơ nhỏ
Vết loét miệng nhỏ là loại phổ biến nhất và:
- Thường có kích thước nhỏ
- Có hình bầu dục với viền đỏ
- Lành mà không để lại sẹo trong vòng một đến hai tuần
Loét miệng áp-tơ lớn
Vết loét miệng lớn ít phổ biến hơn và:
- Kích thước lớn hơn và sâu hơn các vết loét áp-tơ nhỏ
- Thường tròn với viền rõ ràng, nhưng có thể có viền không đều khi rất lớn
- Có thể cực kỳ đau
- Có thể mất tới sáu tuần để lành và có khả năng để lại sẹo rộng
Loét miệng áp-tơ dạng herpes
Vết loét áp-tơ dạng herpes không phổ biến và thường xuất hiện muộn hơn trong cuộc đời một người, nhưng chúng không phải do nhiễm vi-rút herpes gây ra. Những vết loét này có đặc điểm:
- Kích thước nhỏ như đầu kim
- Thường xuất hiện thành từng cụm từ 10 đến 100 vết loét, nhưng có thể hợp nhất thành một vết loét lớn
- Có các cạnh không đều
- Lành mà không để lại sẹo trong vòng một đến hai tuần
Khi nào nên đi khám bác sĩ
Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn gặp phải một trong các tình trạng sau:
- Vết loét miệng lớn bất thường
- Loét miệng tái phát, với các vết loét mới xuất hiện trước khi các vết loét cũ lành hoặc thường xuyên tái phát
- Vết loét dai dẳng, kéo dài hai tuần trở lên
- Vết loét lan vào chính môi (viền môi đỏ)
- Vết loét gây đau mà bạn không thể kiểm soát bằng các biện pháp thông thường
- Ăn uống cực kì khó khăn
- Sốt cao kèm theo vết loét miệng
Đi khám nha sĩ nếu bạn có bề mặt răng sắc nhọn hoặc các dụng cụ nha khoa dễ gây ra các vết loét.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh loét miệng vẫn chưa rõ ràng, mặc dù các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng sự kết hợp của nhiều yếu tố góp phần gây ra các đợt bùng phát, ngay cả ở cùng một người.
Các nguyên nhân có thể gây ra loét miệng bao gồm:
- Chấn thương nhẹ ở miệng do làm răng, đánh răng quá mức, chấn thương thể thao hoặc vô tình cắn vào má
- Kem đánh răng và nước súc miệng có chứa natri lauryl sulfate
- Nhạy cảm với thức ăn, đặc biệt là sô cô la, cà phê, dâu tây, trứng, các loại hạt, pho mát và thức ăn cay hoặc có tính axit
- Chế độ ăn thiếu vitamin B-12, kẽm, folate (axit folic) hoặc sắt
- Phản ứng dị ứng với một số loại vi khuẩn trong miệng
- Helicobacter pylori, cùng loại vi khuẩn gây loét dạ dày tá tràng
- Sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ kinh nguyệt
- Căng thẳng về mặt cảm xúc
Loét miệng cũng có thể xảy ra do một số tình trạng và bệnh lý nhất định, chẳng hạn như:
- Bệnh celiac, một bệnh lý đường ruột nặng do nhạy cảm với gluten, một loại protein có trong hầu hết các loại ngũ cốc
- Các bệnh viêm ruột, chẳng hạn như bệnh Crohn và viêm loét đại tràng
- Bệnh Behcet, một rối loạn hiếm gặp gây viêm khắp cơ thể, bao gồm cả miệng
- Hệ thống miễn dịch bị lỗi tấn công các tế bào khỏe mạnh trong miệng thay vì các tác nhân gây bệnh, chẳng hạn như vi-rút và vi khuẩn
- HIV/AIDS gây ức chế hệ thống miễn dịch
Không giống như mụn nước quanh môi, loét miệng áp-tơ không liên quan đến nhiễm virus herpes.
Các yếu tố nguy cơ
Bất kỳ ai cũng có thể bị loét miệng áp-tơ. Nhưng chúng thường xảy ra ở thanh thiếu niên và người trẻ tuổi, và phổ biến hơn ở nữ giới.
Những người bị loét miệng tái phát thường có tiền sử gia đình mắc chứng rối loạn này. Điều này có thể là do di truyền hoặc do một yếu tố chung trong môi trường, chẳng hạn như một số loại thực phẩm hoặc chất gây dị ứng.
Điều trị
Điều trị thường không cần thiết đối với các vết loét áp-tơ nhỏ, thường tự khỏi sau một hoặc hai tuần. Nhưng các vết loét lớn, dai dẳng hoặc đau nhiều thường cần được chăm sóc y tế. Có một số phương pháp điều trị.
Nước súc miệng
Nếu bạn bị nhiều vết loét áp-tơ, bác sĩ có thể kê đơn nước súc miệng có chứa dexamethasone để giảm đau, giảm viêm hoặc lidocaine để giảm đau.
Các sản phẩm bôi ngoài da
Các sản phẩm không kê đơn và theo toa (dạng kem, dạng gel hoặc dạng lỏng) có thể giúp giảm đau và đẩy nhanh quá trình lành nếu thoa lên từng vết loét ngay khi chúng xuất hiện. Một số sản phẩm có thành phần hoạt tính, chẳng hạn như:
- Benzocaine
- Fluocinonide
- Hydrogen peroxide
Có nhiều sản phẩm bôi ngoài da khác để điều trị vết loét miệng áp-tơ, bao gồm cả những sản phẩm không có thành phần hoạt tính. Hãy hỏi bác sĩ hoặc nha sĩ để được tư vấn về loại nào có thể hiệu quả nhất đối với bạn.
Thuốc uống
Có thể sử dụng thuốc uống khi vết loét áp-tơ nghiêm trọng hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị tại chỗ. Những loại thuốc này có thể bao gồm:
- Thuốc không dành riêng cho điều trị loét miệng, chẳng hạn như thuốc điều trị loét ruột sucralfate được dùng như chất tráng men và colchicine, thường được dùng để điều trị bệnh gút.
- Thuốc steroid đường uống khi loét miệng nghiêm trọng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Nhưng do tác dụng phụ nghiêm trọng, chúng thường là phương án cuối cùng.
Đốt vết loét
Trong quá trình đốt, một dụng cụ hoặc hóa chất được sử dụng để đốt, làm cháy hoặc phá hủy mô.
- Debacterol là dung dịch bôi ngoài da được điều chế để điều trị loét miệng và các vấn đề về nướu. Bằng cách đốt vết loét miệng bằng hóa chất, loại thuốc này có thể rút ngắn thời gian lành bệnh xuống còn khoảng một tuần.
- Bạc nitrat – một lựa chọn khác để đốt vết loét miệng bằng hóa chất – chưa được chứng minh là có thể đẩy nhanh quá trình lành bệnh, nhưng có thể giúp giảm đau do loét miệng.
Thực phẩm bổ sung dinh dưỡng
Bác sĩ có thể kê đơn thực phẩm bổ sung dinh dưỡng nếu bạn chỉ tiêu thụ một lượng nhỏ chúng, chẳng hạn như folate (axit folic), vitamin B-6, vitamin B-12 hoặc kẽm.
Các vấn đề sức khỏe liên quan
Nếu vết loét miệng của bạn liên quan đến một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ điều trị tình trạng bệnh nền.
Phòng ngừa
Loét miệng áp-tơ thường tái phát, nhưng bạn có thể giảm tần suất bị bệnh bằng cách làm theo các mẹo sau:
- Xem xét lại chế độ ăn. Cố gắng tránh những thực phẩm có thể gây kích ứng miệng. Chúng có thể bao gồm các loại hạt, khoai tây chiên, bánh quy, một số loại gia vị, đồ mặn và trái cây có tính axit, chẳng hạn như dứa, bưởi và cam. Tránh bất kỳ thức ăn nào mà bạn nhạy cảm hoặc bị dị ứng.
- Chọn thực phẩm lành mạnh. Để giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, hãy ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.
- Thực hiện thói quen vệ sinh răng miệng tốt. Đánh răng thường xuyên sau bữa ăn và dùng chỉ nha khoa một lần một ngày có thể giúp miệng sạch sẽ và không còn những thực phẩm có thể gây ra loét. Sử dụng bàn chải mềm để giúp ngăn ngừa kích ứng cho vùng miệng nhạy cảm và tránh kem đánh răng hay nước súc miệng có chứa natri lauryl sulfate.
- Bảo vệ miệng của bạn. Nếu bạn niềng răng hoặc các thiết bị nha khoa khác, hãy hỏi nha sĩ về sáp chỉnh nha để che các cạnh sắc.
- Giảm stress. Nếu vết loét miệng áp-tơ có liên quan đến căng thẳng, hãy tìm hiểu và áp dụng các kỹ thuật giảm căng thẳng, chẳng hạn như thiền định.