DỊ VẬT ĐƯỜNG THỞ

Hít sặc dị vật là một trường hợp cấp cứu có thể đe dọa tính mạng. Dị vật là chất rắn hoặc nửa rắn có thể mắc kẹt tại thanh quản hoặc khí quản. Nếu vật đủ lớn để gây tắc nghẽn hoàn toàn đường thở, bệnh nhân bị ngạt và nhanh chóng tử vong. Mức độ tắc nghẽn ít hơn hoặc dị vật đi qua góc phế quản có thể gây các dấu hiệu và triệu chứng ít nghiêm trọng hơn.

Các triệu chứng mãn tính kèm theo của nhiễm trùng tái phát có thể xảy ra khi quá trình lấy dị vật muộn hoặc bệnh nhân có thể không có triệu chứng. Người bệnh có thể không biết mình hít phải dị vật. Thông thường, dị vật thường gặp là đồ ăn, nhưng nhiều loại dị vật khác nhau đã được ghi nhận. Chẳng hạn như các loại hạt, quả hạch, mảnh xương, móng tay, đồ chơi nhỏ, đồng xu, ghim, mảnh dụng cụ y tế và thiết bị nha khoa. Sự khác biệt môi trường sống, chế độ và thói quen ăn uống ảnh hưởng đến tần suất gặp phải của các loại dị vật.

Ho sặc sụa, kèm theo suy hô hấp do tắc nghẽn khí quản hoặc thanh quản, có thể được điều trị thành công tại hiện trường bằng thủ thuật Heimlich, vỗ lưng ấn ngực. Ngay cả trong những tình huống không khẩn cấp, việc loại bỏ nhanh chóng các dị vật khí quản, phế quản được khuyến cáo. Nội soi phế quản bằng ống cứng là thủ thuật được lựa chọn để loại bỏ dị vật ở trẻ em và hầu hết người lớn.

Sinh lý bệnh

Sự tắc nghẽn gần như hoàn toàn của thanh quản hoặc khí quản có thể gây ngạt ngay lập tức và tử vong. Nếu dị vật vượt qua khỏi gốc carina, vị trí của nó sẽ phụ thuộc vào tuổi bệnh nhân và vị trí ban đầu tại thời điểm hít sặc. Bởi vì các góc tạo bởi phế quản gốc với khí quản giống hệt nhau cho đến khi 15 tuổi, các vật lạ được tìm thấy ở hai bên với tần suất như nhau ở độ tuổi này. Với sự phát triển bình thường, phế quản gốc phải và trái trưởng thành tách ra khỏi khí quản với các góc rất khác nhau, trong đó phế quản gốc phải dốc hơn và do đó tạo ra một đường đi tương đối thẳng từ thanh quản đến phế quản. Các dị vật đi xuống qua khỏi khí quản thường được tìm thấy ở khí quản bên phải hơn là ở bên trái.

Trong loạt báo cáo của Debeljak và cộng sự, 42 dị vật nằm ở phế quản gốc bên phải, 20 ở bên trái và 1 ở khí quản. Sau khi bị hít sặc, dị vật sau đó có thể thay đổi vị trí hoặc di chuyển ra xa, đặc biệt là sau những nỗ lực loại bỏ không thành công hoặc nếu nó bị phân mảnh. Bản thân mảnh vỡ đó có thể gây tắc nghẽn. Dị vật là rau có thể phồng lên trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày, làm tình trạng tắc nghẽn trở nên trầm trọng hơn. Ho, thở khò khè, thở rít, khó thở, tím tái và thậm chí ngạt có thể xảy ra sau đó. Các dị vật hữu cơ, chẳng hạn như các loại hạt (thường là đậu phộng), gây viêm và phù nề.

Phản ứng viêm tại chỗ, phù nề, thâm nhiễm tế bào, loét và hình thành mô hạt có thể góp phần gây tắc nghẽn đường thở đồng thời khiến việc xác định và loại bỏ dị vật qua nội soi phế quản trở nên khó khăn hơn. Đường thở dễ bị chảy máu hơn khi thao tác; dị vật có nhiều khả năng bị che khuất và khó loại bỏ hơn. Có thể xảy ra viêm trung thất hoặc rò khí quản thực quản. Ở xa chỗ tắc nghẽn, bẫy khí có thể xảy ra, dẫn đến khí phế thũng cục bộ, xẹp phổi, co mạch do thiếu oxy, viêm phổi sau tắc nghẽn và giảm thể tích phổi, viêm phổi hoại tử hoặc áp xe, áp xe phổi hoặc giãn phế quản.

Khi nội soi phế quản, dị vật có thể xuất hiện dưới dạng khối u. Ngay cả khi dị vật được loại bỏ, những thay đổi do viêm có thể không thể hồi phục hoàn toàn. Một số nhà khoa học tin rằng ung thư biểu mô sẹo có thể phát triển theo thời gian. Khả năng biến chứng tăng lên sau 24-48 giờ, đòi hỏi phải nhanh chóng loại bỏ dị vật.

Nguyên nhân
Trẻ em có nguy cơ bỏ đồ chơi nhỏ, kẹo hoặc các loại hạt vào miệng. Trẻ từ 1-3 tuổi có khả năng nhai bằng răng cửa trước chưa hoàn chỉnh khi mọc răng hàm và các đồ vật hoặc mảnh vỡ có thể bị đẩy ra phía sau, gây ra phản xạ hít.

Ở người lớn, các vấn đề sau đây làm tăng nguy cơ hít sặc hít sặc:

  • Phản xạ nuốt bị suy giảm
  • Phản xạ ho bị suy giảm
  • Thiểu năng trí tuệ
  • Sử dụng rượu hoặc thuốc an thần
  • Gây mê toàn thân
  • Răng yếu
  • Thủ thuật nha khoa, hầu họng hoặc đường thở
  • Rối loạn tri giác
  • Co giật
  • Chấn thương hàm mặt

Biến chứng
Hầu như tất cả các dị vật có thể được loại bỏ bằng nội soi phế quản. Tỷ lệ biến chứng tăng lên khi thời gian chẩn đoán và lấy dị vật vượt quá 24 giờ. Chưa có bằng chứng rõ ràng về hậu quả lâu dài của dị vật bỏ quên, hoàn toàn không có triệu chứng và được tìm thấy tình cờ trên X quang ngực.Theo dõi định kỳ những bệnh nhân này để phát hiện các dấu hiệu tắc nghẽn đường thở, thủng, biến chứng áp xe phổi hoặc sự phát triển của ung thư biểu mô sẹo.

Mức độ nghiêm trọng của các biến chứng do hít dị vật phụ thuộc vào kích thước, hình dạng, thành phần, vị trí và hướng của dị vật. Các biến chứng sau đây có thể xảy ra:

  • Ho
  • Khó thở
  • Khò khè
  • Thở rít
  • Ho ra máu
  • Phù thanh quản
  • Tràn khí màng phổi
  • Tràn khí trung thất
  • Vỡ khí phế quản
  • Ngưng tim

Việc trì hoãn điều trị có thể dẫn đến các tình trạng sau:

  • Khí phế thũng tắc nghẽn
  • Xẹp phổi
  • Rò khí quản thực quản
  • Hẹp phế quản
  • Viêm phổi
  • Ho dai dẳng
  • Ho ra máu
  • Hình thành polyp
  • Giãn phế quản
  • Viêm phổi mãn tính sau tắc nghẽn
  • Áp xe phổi
  • Rò phế quản màng phổi
  • Giảm tưới máu phổi

Các biến chứng mạn tính có thể là do chính dị vật hoặc do chấn thương gây ra trong quá trình cố gắng loại bỏ dị vật. Tỷ lệ biến chứng tăng lên nếu việc loại bỏ dị vật bị trì hoãn. Phù phổi không do tim có thể xảy ra khi phổi xẹp lại.

Giáo dục bệnh nhân
Giáo dục bệnh nhân, cha mẹ và những người chăm sóc khác về việc cho ăn thức ăn có kích thước và kết cấu phù hợp, dựa trên khả năng nhai và nuốt của bệnh nhân. Nhận thức được rằng mức độ suy giảm nhận thức và việc sử dụng thuốc an thần sẽ làm tăng nguy cơ hít dị vật. Huấn luyện người chăm sóc về các phương pháp làm thông đường thở (ví dụ, thủ thuật Heimlich, vỗ tay ấn ngực).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *