ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÍP 1 Ở TRẺ EM

Tổng quan
Bệnh đái tháo đường típ 1 ở trẻ em là tình trạng cơ thể trẻ không sản xuất ra một loại hormone quan trọng (insulin). Cơ thể cần insulin để duy trì hoạt động sống, vì vậy lượng insulin bị thiếu cần được thay thế bằng cách tiêm. Bệnh đái tháo đường típ 1 ở trẻ em từng được gọi là bệnh tiểu đường thiếu niên hoặc bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin.

Việc chẩn đoán bệnh đái tháo đường típ 1 ở trẻ em có thể rất khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Nếu được chẩn đoán bệnh, con trẻ phải học cách tiêm thuốc, tính toán lượng carbohydrate nhập vào và theo dõi lượng đường trong máu.

Không có cách chữa khỏi bệnh đái tháo đường típ 1 ở trẻ em nhưng có thể kiểm soát được. Những tiến bộ trong việc theo dõi đường huyết và bổ sung insulin đã cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu và chất lượng cuộc sống cho những trẻ mắc bệnh.

Triệu chứng
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đái tháo đường típ 1 ở trẻ em thường xuất hiện nhanh chóng và có thể bao gồm:

  • Khát nước nhiều
  • Đi tiểu thường xuyên, có thể là đái dầm ở trẻ đã được tập đi vệ sinh
  • Đói nhiều
  • Sụt cân không chủ ý
  • Mệt mỏi
  • Khó chịu hoặc thay đổi hành vi
  • Hơi thở có mùi trái cây

Khi nào cần gặp bác sĩ
Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn nhận thấy ở con mình bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của bệnh đái tháo đường típ 1.

Nguyên nhân
Nguyên nhân chính xác của bệnh đái tháo đường típ 1 vẫn chưa được biết rõ. Nhưng ở hầu hết những người mắc bệnh đái tháo đường típ 1, hệ thống miễn dịch của cơ thể – có vai trò chống lại vi khuẩn và vi rút có hại – đã phá hủy nhầm các tế bào sản xuất insulin (tế bào đảo tụy) trong tuyến tụy. Các yếu tố di truyền và môi trường dường như đóng một vai trò trong quá trình này.

Một khi các tế bào đảo tụy bị phá hủy, con bạn sẽ sản xuất ra ít hoặc không có insulin. Insulin thực hiện vai trò quan trọng là vận chuyển đường (glucose) từ máu đến các tế bào của cơ thể để lấy năng lượng. Đường đi vào máu khi thức ăn được tiêu hóa. Nếu không có đủ insulin, đường sẽ tích tụ trong máu. Điều này có thể gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng nếu không được điều trị.

Các yếu tố nguy cơ
Bệnh đái tháo đường típ 1 thường xảy ra ở trẻ em nhưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 1 ở trẻ em bao gồm:

  • Tiền sử gia đình. Bất cứ ai có cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh đái tháo đường típ 1 đều tăng nguy cơ mắc bệnh này.
  • Yếu tố di truyền. Một số gen nhất định cho thấy nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường típ 1 tăng lên.
  • Chủng tộc. Tại Hoa Kỳ, bệnh đái tháo đường típ 1 phổ biến hơn ở trẻ em da trắng không phải gốc Tây Ban Nha so với trẻ em thuộc các chủng tộc khác.
  • Một số loại virus. Việc tiếp xúc với nhiều loại virus khác nhau có thể gây ra sự phá hủy do cơ chế tự miễn dịch của các tế bào đảo tụy.

Biến chứng
Bệnh đái tháo đường típ 1 có thể ảnh hưởng đến các cơ quan chính trong cơ thể bạn. Giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường trong hầu hết thời gian có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc nhiều biến chứng.

Các biến chứng bao gồm:

  • Bệnh tim mạch. Bệnh đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như hẹp mạch máu, huyết áp cao, bệnh tim và đột quỵ về sau trong đời của trẻ.
  • Tổn thương thần kinh. Lượng đường dư thừa có thể làm tổn thương thành mạch máu nhỏ nuôi dưỡng dây thần kinh. Điều này có thể gây cảm giác châm chích, tê, rát hoặc đau. Tổn thương thần kinh thường xảy ra từ từ trong thời gian dài.
  • Tổn thương thận. Bệnh đái tháo đường típ 1 có thể làm tổn thương nhiều cụm mạch máu nhỏ trong thận có nhiệm vụ lọc chất thải từ máu.
  • Tổn thương mắt. Bệnh đái tháo đường típ 1 có thể làm tổn thương các mạch máu của võng mạc mắt, dẫn đến các vấn đề về thị lực.
  • Loãng xương. Bệnh đái tháo đường có thể làm giảm mật độ khoáng xương, làm tăng nguy cơ loãng xương ở trẻ khi trưởng thành.

Bạn có thể giúp con mình ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường bằng cách:

  • Giáo dục con về vấn đề duy trì kiểm soát lượng đường trong máu tốt nhất có thể
  • Dạy con bạn tầm quan trọng của việc ăn uống lành mạnh và tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên
  • Lên lịch thăm khám thường xuyên với bác sĩ chuyên khoa nội tiết nhi.
    Trẻ mắc bệnh đái tháo đường típ 1 có nguy cơ mắc các rối loạn tự miễn dịch khác, chẳng hạn như bệnh tuyến giáp. Bác sĩ có thể đề nghị làm thêm xét nghiệm để kiểm tra các tình trạng này.

Phòng ngừa
Hiện tại không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa bệnh đái tháo đường típ 1, nhưng đây là một chủ đề được nghiên cứu rất tích cực.

Các kháng thể liên quan đến bệnh đái tháo đường típ 1 ở trẻ em có nguy cơ mắc bệnh cao có thể được phát hiện vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm trước khi các triệu chứng đầu tiên của bệnh xuất hiện. Các nhà khoa học đang tìm hiểu về việc:

  • Ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự khởi phát của bệnh đái tháo đường típ 1 ở những người có nguy cơ mắc bệnh cao.
  • Ngăn chặn sự phá hủy thêm các tế bào đảo tụy ở những người mới được chẩn đoán.

Điều trị
Điều trị bệnh đái tháo đường típ 1 bao gồm:

  • Chích insulin
  • Theo dõi đường huyết thường xuyên
  • Ăn uóng lành mạnh
  • Tập thể dục thường xuyên

Bạn sẽ hợp tác chặt chẽ với nhóm điều trị bệnh tiểu đường của con bạn – bác sĩ chuyên khoa nội tiết, chuyên gia giáo dục và chăm sóc bệnh tiểu đường được chứng nhận cũng như chuyên gia dinh dưỡng. Mục tiêu của việc điều trị là giữ lượng đường trong máu của con ở mức nhất định. Phạm vi mục tiêu này giúp giữ mức đường huyết càng gần bình thường càng tốt. Bác sĩ sẽ cho bạn biết mục tiêu về đường huyết của con bao nhiêu là chấp nhận được.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *