CHÈN ÉP TIM CẤP

Chèn ép tim là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng trong đó tim không thể bơm đủ máu đến các cơ quan trong cơ thể do dịch tích tụ quanh tim. Tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức nếu bạn hoặc ai đó đang gặp phải tình trạng này.

Chèn ép tim là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng trong đó máu hoặc chất lỏng lấp đầy khoảng trống giữa lớp màng bao bọc tim và cơ tim. Điều này gây áp lực cực lớn lên trái tim của bạn. Áp lực ngăn cản tâm thất dãn hoàn toàn và khiến tim không hoạt động bình thường. Tim bạn không thể bơm đủ máu đến các phần còn lại của cơ thể khi tình trạng này xảy ra. Nó có thể dẫn đến suy nội tạng, sốc và thậm chí tử vong.

Chèn ép tim là một cấp cứu y khoa. Nếu bạn hoặc ai đó bạn biết bắt đầu gặp các triệu chứng của bệnh, hãy tìm trợ giúp y tế ngay lập tức.

Nguyên nhân gây chèn ép tim?

Chèn ép tim thường là hậu quả của sự xâm nhập bất thường vào màng ngoài tim, đó là khoang mỏng có thành đôi bao quanh tim. Khoang xung quanh tim có thể chứa đầy bởi máu hoặc chất dịch cơ thể khác gây đè nén tim. Khi chất lỏng đè ép tim, lượng máu trở về tim ngày càng ít đi. Kết quả là máu giàu oxy được bơm đến phần còn lại của cơ thể ít hơn. Việc thiếu máu đến tim và phần còn lại của cơ thể cuối cùng có thể gây sốc, suy tạng và ngừng tim.

Nguyên nhân gây xâm nhập màng ngoài tim hoặc tích tụ dịch có thể bao gồm:

  • vết thương do đạn bắn hoặc dao đâm
  • chấn thương nặng ở ngực do tai nạn ô tô hoặc nghề nghiệp
  • tình trạng thủng tim sau khi đặt ống thông tim, chụp động mạch hoặc đặt máy tạo nhịp
  • các vết thủng được tạo ra trong quá trình đặt đường truyền trung tâm
  • ung thư lan đến khoang màng ngoài tim, chẳng hạn như ung thư vú hoặc phổi
  • vỡ phình động mạch chủ
  • viêm màng ngoài tim
  • lupus, một bệnh viêm trong đó hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các mô khỏe mạnh
  • mức độ tia xạ cao đến ngực
  • suy giáp, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim
  • một cơn nhồi máu cơ tim
  • suy thận
  • nhiễm trùng ảnh hưởng đến tim

Các triệu chứng của chèn ép tim là gì?
Chèn ép tim có các triệu chứng sau:

  • lo lắng và bồn chồn
  • tụt huyết áp
  • mệt lả
  • đau ngực lan đến cổ, vai hoặc lưng
  • khó thở hoặc khó hít vô sâu
  • thở nhanh
  • sự khó chịu được giảm bớt khi ngồi hoặc nghiêng về phía trước
  • ngất xỉu, chóng mặt và mất ý thức

Chẩn đoán chèn ép tim như thế nào?
Chèn ép tim thường có ba dấu hiệu mà bác sĩ có thể nhận ra. Những dấu hiệu này thường được gọi là tam chứng Beck, bao gồm:

  • huyết áp thấp và mạch yếu vì lượng máu mà tim bạn bơm bị giảm
  • tĩnh mạch cổ nổi vì chúng gặp khó khăn trong việc đưa máu trở về tim
  • nhịp tim nhanh kết hợp với tiếng tim mờ do lớp chất lỏng lấp đầy bên trong màng ngoài tim

Bác sĩ sẽ tiến hành các cận lâm sàng sâu hơn để xác nhận chẩn đoán chèn ép tim. Cách đầu tiên là siêu âm tim. Nó có thể quan sát thấy màng ngoài tim có bị căng hay không và tâm thất có bị xẹp do lượng máu quá ít hay không. Chụp X-quang ngực có thể thấy tim to, hình quả cầu nếu bạn bị chèn ép tim. Các cận lâm sàng khác giúp chẩn đoán có thể bao gồm:

  • chụp CT ngực để tìm sự tích tụ dịch trong ngực hoặc những thay đổi ở tim
  • chụp động mạch cộng hưởng từ để xem máu chảy qua tim như thế nào
  • điện tâm đồ để đánh giá nhịp tim

Điều trị chèn ép tim như thế nào?
Chèn ép tim là một cấp cứu y khoa cần phải nhập viện. Việc điều trị chèn ép tim có hai mục đích. Nó sẽ làm giảm áp lực lên tim của bạn và sau đó điều trị tình trạng bệnh nền. Điều trị ban đầu liên quan đến việc ổn định các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân.

Bác sĩ sẽ rút chất lỏng từ khoang màng ngoài tim, thường bằng kim. Thủ thuật này được gọi là chọc dịch màng ngoài tim. Bác sĩ có thể thực hiện một thủ thuật xâm lấn hơn gọi là phẫu thuật mở lồng ngực để dẫn lưu máu hoặc loại bỏ cục máu đông nếu bạn có vết thương xuyên thấu. Bác sĩ có thể loại bỏ một phần màng ngoài tim để giúp giảm áp lực lên tim.

Bạn cũng sẽ được cung cấp oxy, dịch truyền và thuốc để tăng huyết áp.

Khi tình trạng chèn ép đã được kiểm soát và sinh hiệu của bạn ổn định, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm bổ sung để xác định nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng bệnh lí này.

Tiên lượng lâu dài là gì?
Tiên lượng lâu dài phụ thuộc vào việc chẩn đoán được thực hiện nhanh như thế nào, nguyên nhân cơ bản của chèn ép tim và bất kỳ biến chứng nào tiếp theo. Tiên lượng khá tốt nếu chèn ép tim được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tiên lượng lâu dài của bạn phụ thuộc rất nhiều vào việc điều trị nhanh hay chậm. Tìm kiếm sự điều trị y tế ngay lập tức nếu bạn cho rằng mình mắc phải tình trạng này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *