CHẾ ĐỘ ĂN CHO NGƯỜI BỆNH VIÊM LOÉT DẠ DÀY-TÁ TRÀNG

1. Bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng

Viêm loét dạ dày – tá tràng là một bệnh lý đường tiêu hóa do nhiều nguyên nhân gây ra. Nguyên nhân phổ biến là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori). Các nguyên nhân khác bao gồm sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), uống nhiều rượu và một số bệnh viêm nhiễm, chẳng hạn như bệnh Crohn.

Viêm loét dạ dày có thể xảy ra đột ngột (viêm dạ dày cấp tính), hoặc xuất hiện từ từ theo thời gian (viêm dạ dày mãn tính). Trong một số trường hợp, viêm dạ dày có thể dẫn đến loét và tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Tuy nhiên, đối với hầu hết mọi người, triệu chứng của viêm dạ dày sẽ được cải thiện nhanh chóng khi điều trị.

     Các triệu chứng thường gặp của viêm loét dạ dày bao gồm:

– Nhức nhối hoặc đau rát hoặc đau (khó tiêu) ở vùng thượng vị, có thể tăng lên khi đói hoặc sau khi ăn no.

– Ợ chua, ợ hơi, buồn nôn và nôn nhiều lần thức ăn dịch dạ dày.

– Cảm giác đầy bụng, ập ạch bụng sau khi ăn

– Có khi viêm dạ dày không gây ra các dấu hiệu và triệu chứng.

Bên cạnh việc dùng các phác đồ điều trị viêm loét dạ dày, việc tuân thủ điều trị. Một chế độ ăn uống hợp lý đóng góp vai trò vô cùng quan trọng trong việc cải thiện triệu chứng cho người bệnh. Một số loại thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn H. pylori và một số thói quen ăn uống nhất định có thể gây ra xói mòn niêm mạc dạ dày hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm dạ dày.Người bị viêm dạ dày có thể cảm thấy khó ăn, dẫn đến chán ăn và sụt cân không mong muốn. Do đó việc điều chỉnh những thay đổi trong chế độ ăn uống và lối sống có thể giúp giảm các triệu chứng viêm dạ dày và nâng cao hiệu quả điều trị.

2. Chế độ ăn cho người bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng

             2.1 Thực phẩm nên ăn

Nên tăng cường các thực phẩm có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, các thực phẩm giúp cho việc chữa lành các vết loét hoặc có khả năng giúp giảm tiết acid và các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất. Sau đây là một số loại thực phẩm nên ăn ở người bị viêm loét dạ dày – tá tràng:

– Sữa, trứng có tác dụng đệm trung hòa acid trong dạ dày. Những thực phẩm như sữa bò, sữa hộp, bơ, pho mát có tác dụng trung hòa axit, giảm đau hiệu quả.

  – Thực phẩm giàu đạm (thịt, cá nạc) nên chế biến luộc, hấp thì sẽ dễ hấp thu hơn.

  – Thực phẩm ít mùi vị cũng giúp hạn chế sự co bóp và tăng tiết dịch vị của dạ dày giúp quá trình phục hồi viêm hiệu quả hơn. Những thực phẩm có thể kể đến như những thức ăn chứa tinh bột như cơm nát, cơm nếp nát, bánh mỳ, các loại khoai củ, cháo.

– Dầu ăn sống (các loại dầu thực vật) có tác dụng làm giảm bài tiết dịch vị (với số lượng ít). Có thể trộn cùng rau quả để giúp người bệnh dễ ăn hơn.

– Hỗn hợp tinh bột nghệ và mật ong: đây là bài thuốc đông y chính trong điều trị bệnh lý viêm loét dạ dày. Nghệ có tác dụng chống viêm, giảm tiết dịch vị, kiềm hoá độ acid của dịch vị. Mật ong có tác dụng điều hòa nồng độ acid tại dạ dày, tránh tình trạng kích ứng dạ dày.

– Thực phẩm giàu dinh dưỡng, vitamin A, B, D, K, acid folic, canxi, sắt, kẽm, magie: có nhiều trong ngũ cốc, rau củ màu đỏ và xanh đậm, cần được tăng cường trong khẩu phần để cải thiện tình trạng thiếu hụt vitamin, các khoáng chất do tiêu hóa hấp thụ kém trong bệnh lý dạ dày- tá tràng.

– Trà xanh và trái cây tươi, rau quả: có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi bệnh viêm dạ dày. Đây là những nguồn chất chống oxy hóa tốt, có thể giúp ngăn ngừa tổn thương tếbào và bệnh tật bằng cách giảm mức độ của các hợp chất không ổn định được gọi là các gốc tự do trong cơ thể. Các loại nước trái cây giúp ích trong việc ngừa viêm như nước dừa, nước ép táo,… Các loại rau như bông cải xanh, súp lơ trắng, đậu bắp được nghiên cứu là có chất chống oxy hóa có khả năng ức chế sự phát triển của H.pylori và giảm viêm dạ dày và ngăn hình thành vết loét.

     2.2 Thực phẩm nên tránh khi viêm loét dạ dày – tá tràng

Khi bị viêm loét dạ dày – tá tràng, bạn hãy tránh một số loại thực phẩm không có lợi như sau:

– Thực phẩm gây tổn thương đến niêm mạc dạ dày như: Rượu, bia, cà phê, trà đặc; các loại rau đậu già, củ cải già, rễ cây…; các gia vị cay nóng như tiêu, ớt, gừng khô…; món ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, món nướng tẩm nhiều gia vị, đồ ăn chế biến sẵn có các chất bảo quản, các loại thức ăn như xương băm nhỏ, sụn, tôm cua, cổ cánh, chân gà, vịt, đầu cá…

– Thực phẩm gây tăng acid dạ dày: Trái cây chua (cam, chanh, quýt, xoài, khế…); thực phẩm chua (dấm, mẻ);

– Thực phẩm sinh hơi, chướng bụng như: Giá đỗ, dưa cà muối, hành, hẹ, cầntây… các loại nước ngọt, nước trái cây có ga.…

    2.3 Ăn uống đúng cách khi viêm loét dạ dày – tá tràng

– Thức ăn nên thái nhỏ, nấu chín kỹ, mềm, chế biến luộc, hấp hay om giúp cho người đau dạ dày dễ tiêu hóa và dễ hấp thu hơn các món xào, rán.

– Ăn chậm và nhai kỹ, tránh vừa ăn vừa đọc sách, báo, xem phim, … để giúp gia tăng bài tiết của nước bọt, tiêu hoá dễ dàng hơn.

– Nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày giúp dạ dày thường xuyên có thức ăn để trung hòa được acid.

– Không để bụng quá đói làm dạ dày rỗng, co bóp mạnh hơn gây đau, thậm chí chảy máu; hoặc ăn quá no khiến dạ dày dạ dày căng to, co bóp yếu ảnh hưởng đến quá trình nhào trộn thức ăn, tăng cọ xát làm gia tăng cơn đau.

– Tránh ăn quá đặc làm dịch vị khó thấm vào giữa khối thức ăn, hoặc ăn quá lỏng và nhiều nước quá làm pha loãng dịch vị, giảm khả năng tiêu hóa.

– Tránh ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh đều làm dạ dày co bóp mạnh hơn gây đau. Thức ăn ấm khoảng 40-50 độ C tốt cho tiêu hóa -hấp thu.

Trong trường hợp viêm dạ dày cấp tính cần có thời gian cho dạ dày lành vết thương, vì vậy có thể nhịn ăn trong vòng 24-48 giờ vì thức ăn vào dạ dày sẽ kích thích tiết acid càng làm loét vết thương: Chỉ nên uống nước khoáng với số lượng vừa phải để khỏi khát và mất nước. Sau thời gian nhịn ăn nên ăn súp nấu với rau, thịt nghiền; uống sữa hoặc ăn kem với năng lượng từ 1200-1300 kcal. Mỗi lần ăn với số lượng ít và ăn nhiều lần cách nhau 1 giờ. Sau đó dần dần tăng số lượng cho đến khi không còn triệu chứng đau bụng, đày hơi, ợ hơi, ợ chua thì ăn uống gần như bình thường.

Trong trường hợp viêm dạ dày mãn tính, người bệnh thường bị thiếu dinh dưỡng do sự tiêu hoá hấp thu kém, không hấp thu được các loại vitamin cần thiết, đặc biệt là vitamin B12 và sắt, chất đạm, dẫn tới thiếu máu. Chế độ ăn cần phải cung cấp đày đủ năng lượng và chất đạm, đặc biệt cần bổ sung thêm các loại vitamin và muối khoáng như: acid folic, vitamin A, D, K, canxi, Fe, Zn, Mg.

* Trong trường hợp loét dạ dày chế độ ăn nên chia thành 3 giai đoạn:

– Giai đoạn 1: bắt đầu điều trị cho người loét dạ dày. Chỉ nên ăn sữa, cứ 1-2 giờ uống sữa một lần, mỗi lần chỉ khoảng 1/3-1/2 cốc (khoảng 100ml một lần). Tổng năng lượng chỉ cần 1200 Kcal. 2 đến 3 ngày sau dạ dày không thấy đau thì trộn thêm kem vào sữa để tăng thêm năng lượng.

– Giai đoạn 2: khi dạ dày hết đau thì ăn những đồ mềm nhuyễn như cháo, súp mỗi lần 100 ml sau đó tăng dần lên, nên ăn 6 bữa /ngày, sau đó ăn các loại thức ăn khác như : cơm nếp, bánh mỳ, bánh quy, thịt cá nghiền nát. Khi ăn nên nhai kỹ để đồ ăn thấm nước bọt trước khi nuốt.

– Giai đoạn 3: vẫn tiếp tục ăn 5-6 bữa/ngày, ăn thức ăn mềm, nấu chín nhừ.

Chế độ ăn uống hợp lý có vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị bệnh viêm loét dạ dày– tá tràng, ngăn ngừa cơn đau và cải thiện tình trạng tiêu hoá, dinh dưỡng cho người bệnh. Do đó bên cạnh việc tuân thủ điều trị, người bệnh cần có kế hoạch ăn uống phù hợp trong mỗi bữa ăn để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất trong điều trị.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *