CÁC PHƯƠNG PHÁP HỖ TRỢ VÀ ĐIỀU TRỊ TRÀO NGƯỢC Ở TRẺ NHỎ

Nếu bạn có con, bạn sẽ biết rằng ọc trớ không phải là chuyện hiếm gặp — nhưng nếu trẻ biểu hiện kèm các triệu chứng khác, trẻ có thể bị trào ngược dạ dày – thực quản. Thay đổi thời gian các cữ ăn và các biện pháp hỗ trợ tại nhà có thể hữu ích.

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD), là tình trạng trào ngược dịch dạ dày vào thực quản và cổ họng. Mặc dù tình trạng này phổ biến ở người lớn, nhưng không chỉ người lớn mới mắc bệnh — trẻ nhỏ cũng có thể bị. Trẻ nhũ nhị bị GERD có xu hướng ọc trớ thường xuyên. Trẻ cũng có thể thở khò khè và chảy nước miếng nhiều hơn bình thường.

Đọc tiếp để tìm hiểu thêm về các triệu chứng trào ngược dạ dày – thực quản ở trẻ nhỏ và các mẹo để kiểm soát tình trạng này.

Các triệu chứng của GERD ở trẻ nhũ nhi
Nếu bé ọc trớ và có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, thì đó có thể là dấu hiệu của tình trạng được gọi là GERD. Đây là thuật ngữ y khoa chỉ tình trạng trào ngược axit đang diễn ra.

Hãy chú ý đến các triệu chứng của GERD sau đây ở con bạn:

  • Tiếng thở khò khè trong hoặc sau khi bú
  • Chảy nước miếng nhiều hơn bình thường
  • Khóc không ngừng
  • Quấy
  • Các dấu hiệu đau như cong lưng, ngọ nguậy quá mức hoặc khó ngủ
  • Khó ăn
  • Tăng cân không đủ
  • Không chịu ăn
    Các triệu chứng cũng có thể trùng lặp với các tình trạng khác, chẳng hạn như hẹp môn vị. Đây là tình trạng nghiêm trọng khiến cơ thắt môn vị ở dạ dày chặt bất thường, ngăn cản quá trình làm rỗng dạ dày đúng cách. Tình trạng hẹp môn vị thường gây nôn dữ dội.

Các lựa chọn để điều trị trào ngược dạ dày – thực quản ở trẻ phụ thuộc vào độ tuổi và mức độ nghiêm trọng. Đôi khi, thay đổi lối sống và chăm sóc tại nhà có thể có hiệu quả, nhưng hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Cách và thời điểm cho bé bú
Nếu bạn nghĩ con mình bị trào ngược, bạn có thể thử các biện pháp khắc phục và điều chỉnh tại nhà sau đây.

Cho bé bú thường xuyên hơn
Bé có thể bị trào ngược và trớ khi dạ dày quá no. Cho bé bú ít hơn nhưng thường xuyên hơn có thể giúp cải thiện tình trạng này.

Dạ dày no một phần sẽ giảm áp lực lên cơ thắt thực quản dưới (LES). LES là vòng cơ ngăn thức ăn trào ngược từ dạ dày vào thực quản. Áp lực lên cơ này khiến cơ mất hiệu quả, cho phép thức ăn trong dạ dày trào ngược lên miệng. Sức cơ của LES cần thời gian để phát triển trong năm đầu tiên, vì vậy nhiều trẻ nhũ nhi thường ọc trớ tự nhiên.

Thay đổi chế độ ăn
Nếu bạn đang cho con bú, bé có thể được hưởng lợi từ việc thay đổi chế độ ăn của bạn. Theo gian dan, một số người nói rằng việc cắt giảm trứng và các sản phẩm từ sữa có tác dụng, nhưng vẫn chưa có đủ nghiên cứu để chứng minh điều này. Thay đổi loại sữa có thể giúp ích cho trẻ nhũ nhi đang bú sữa công thức.

Bạn nên trao đổi trước với bác sĩ nhi khoa nếu bạn đang nghĩ đến việc thay đổi chế độ ăn hoặc sữa công thức.

Cho bé bú ở tư thế thẳng đứng
Nếu có thể, hãy cho bé bú ở tư thế thẳng đứng và giữ nguyên trong khoảng 30 phút sau khi bú. Điều này có thể ngăn ngừa axit dạ dày trào lên.

Tránh dùng gối cố định
Nếu có thể, hãy cố gắng tránh dùng gối cố định khi cho bé bú hoặc ngủ. Đây là những loại gối có đệm có thể giữ đầu và thân bé ở cùng một vị trí.

Bác sĩ thường không khuyến nghị dùng loại gối này vì nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ (SIDS) hoặc ngạt thở. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), tư thế an toàn nhất là để bé ngủ nằm ngửa.

Kiểm tra kích thước bình sữa và núm vú giả
Nếu bạn cho bé bú bình, hãy giữ núm vú giả đầy sữa trong suốt thời gian cho bé bú để tránh tình trạng nuốt không khí. Hãy thử nhiều loại núm vú giả khác nhau, tránh dùng loại có lỗ lớn vì có thể khiến sữa chảy quá nhanh.

Làm đặc sữa 
Với sự chấp thuận của bác sĩ nhi khoa, bạn có thể thêm một lượng nhỏ ngũ cốc ăn sáng vào sữa công thức hoặc sữa mẹ để giảm tình trạng ọc trớ.

Làm đặc thức ăn được cho là có tác dụng ngăn không cho thức ăn trong dạ dày trào ngược lên thực quản, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy phương pháp này có thể làm giảm các triệu chứng trào ngược khác.

Vỗ ợ cho trẻ thường xuyên hơn
Cho dù bạn đang cho con bú hay cho trẻ bú bình, hãy đảm bảo cho trẻ ợ hơi thường xuyên. Việc cho trẻ nhũ nhi ợ hơi trong khi bú có thể giúp giảm các triệu chứng trào ngược.

Cho trẻ bú bình ợ hơi sau mỗi 1 đến 2 ounce (hoặc thường xuyên hơn nếu trẻ bú ít hơn). Cho trẻ bú mẹ ợ hơi bất cứ khi nào trẻ nhả núm vú ra.

Tư thế ngủ của trẻ nhũ nhi
Luôn đặt trẻ nằm ngửa trên nệm cứng. Đảm bảo nôi hoặc khu vực ngủ không có chăn dày, gối, đồ vật lỏng lẻo hoặc đồ chơi nhồi bông.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ nhũ nhi tăng cao ở mọi tư thế ngủ ngoại trừ nằm ngửa. Điều này áp dụng cho tất cả trẻ nhũ nhi, ngay cả những trẻ bị trào ngược axit và GERD.

Cân nhắc sắp xếp một ít thời gian giữa lúc ngủ và lúc ăn.

Si-rô chống đầy hơi: Có an toàn không?
Si-rô chống đầy hơi là một loại thực phẩm bổ sung thảo dược mà mọi người thường dùng để làm dịu trẻ nhỏ bị đau bụng. Mặc dù bạn có thể muốn thử loại si-rô này để làm dịu các triệu chứng trào ngược, nhưng không có bằng chứng khoa học nào về hiệu quả của nó. Thành phần thay đổi tùy theo nhà sản xuất, nhưng nhiều loại si-rô có chứa thì là, gừng, bạc hà, tía tô đất, hoa cúc và natri bicarbonate.

Hãy trao đổi với bác sĩ nhi khoa nếu bạn muốn sử dụng các biện pháp hỗ trợ tự nhiên để điều trị chứng trào ngược của con.

Thuốc và phẫu thuật
Nếu thay đổi lối sống không có tác dụng, bác sĩ nhi khoa có thể đề nghị khảo sát thêm các nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng của bé.

Thuốc
Mặc dù mọi người thường sử dụng các loại thuốc như omeprazole để điều trị trào ngược axit, nhưng các nghiên cứu chưa chứng minh được sự hiệu quả. Theo hầu hết các nghiên cứu, không có sự khác biệt đáng kể giữa việc sử dụng thuốc và không sử dụng thuốc.

Ngoài ra, việc sử dụng thuốc có thể liên quan đến các tác dụng phụ có hại như nhiễm trùng đường tiêu hóa, vi khuẩn phát triển quá mức, các vấn đề về sức khỏe xương và tương tác thuốc. Một mối quan ngại đặc biệt đối với các loại thuốc này là nguy cơ nhiễm trùng. Axit dạ dày bảo vệ cơ thể khỏi các sinh vật nguy hiểm có trong nước và thực phẩm. Giảm axit dạ dày có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng ở trẻ. Hãy trao đổi với bác sĩ về phác đồ điều trị dựa trên mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Bác sĩ sẽ đề xuất loại thuốc phù hợp nhất với bé.

Phẫu thuật
Có thể cần phải phẫu thuật nếu thuốc và việc điều chỉnh lối sống không giúp làm giảm các triệu chứng của bé. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật sẽ thắt chặt cơ vòng thực quản dưới LES, giúp nó ổn định hơn để ít axit chảy ngược trở lại thực quản. Tuy nhiên, nhu cầu phẫu thuật loại này rất hiếm, đặc biệt là ở trẻ nhũ nhi.

Tóm lại,

Trào ngược dạ dày – thực quản ở trẻ nhũ nhi là tình trạng có thể điều trị được. Tìm ra những thay đổi về lối sống phù hợp với con bạn có thể giúp làm giảm chứng trào ngược. Trong nhiều trường hợp, chỉ cần hỗ trợ tại nhà là trẻ có thể thoải mái hơn. Các trường hợp nhẹ có thể tự khỏi theo thời gian.

Bất kể triệu chứng của bé là gì, hãy trao đổi với bác sĩ về những lo lắng của bạn để họ có thể chẩn đoán chính xác vấn đề và giúp bạn tìm ra phương pháp tốt nhất để giảm bớt sự khó chịu cho bé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *