BÉO PHÌ: NGUYÊN NHÂN VÀ NHỮNG YẾU TỐ NGUY CƠ

Tổng quan

Béo phì là một bệnh lí phức tạp liên quan đến việc cơ thể có quá nhiều mỡ. Béo phì không chỉ là vấn đề thẩm mỹ. Đó là một vấn đề y tế làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Chúng có thể bao gồm bệnh tim, đái tháo đường, tăng huyết áp, cholesterol máu cao, bệnh gan, ngưng thở khi ngủ và một số bệnh ung thư.

Có nhiều lý do khiến một số người gặp khó khăn trong việc giảm cân. Thông thường, béo phì là kết quả của các yếu tố di truyền, sinh lý và môi trường, kết hợp với chế độ ăn uống, hoạt động thể lực và tập luyện.

Tin tốt là ngay cả việc giảm cân ít cũng có thể cải thiện hoặc ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe liên quan đến béo phì. Một chế độ ăn uống lành mạnh hơn, tăng cường vận động và thay đổi hành vi có thể giúp bạn giảm cân. Thuốc kê toa và các phương pháp giảm cân là những lựa chọn khác để điều trị béo phì.

Triệu chứng

Chỉ số khối cơ thể, được gọi là BMI, thường được sử dụng để chẩn đoán béo phì. Để tính chỉ số BMI, hãy chia trọng lượng tính bằng kilogam cho bình phương chiều cao tính bằng mét. Có một số công cụ tính toán trực tuyến có thể giúp tính chỉ số BMI.

  • BMI < 18,5: Thiếu cân
  • BMI 18,5-24,9: Khỏe mạnh
  • BMI 25,0-29,9: Thừa cân
  • BMI từ 30.0 trở lên: Béo phì
    Người châu Á có chỉ số BMI từ 23 trở lên có thể tăng nguy cơ bị các vấn đề sức khỏe.

Đối với hầu hết mọi người, BMI cung cấp ước tính hợp lý về lượng mỡ trong cơ thể. Tuy nhiên, BMI không đo trực tiếp lượng mỡ trong cơ thể. Một số người, chẳng hạn như các vận động viên cơ bắp, có thể có chỉ số BMI thuộc loại béo phì mặc dù cơ thể họ không có mỡ thừa.

Nhiều chuyên gia về sức khỏe cũng đo vòng eo của một người để giúp đưa ra quyết định điều trị. Chỉ số này được gọi là chu vi vòng eo. Các vấn đề sức khỏe liên quan đến cân nặng phổ biến hơn ở nam giới có chu vi vòng eo trên 102 cm. Chúng cũng phổ biến hơn ở những phụ nữ có số đo vòng eo trên 89 cm. Tỷ lệ phần trăm mỡ cơ thể là chỉ số khác có thể được sử dụng trong chương trình giảm cân để theo dõi tiến độ.

Khi nào cần gặp bác sĩ

Nếu bạn lo lắng về cân nặng của mình hoặc có các vấn đề sức khỏe liên quan đến cân nặng, hãy hỏi bác sĩ về cách kiểm soát béo phì. Bạn và bác sĩ có thể đánh giá nguy cơ sức khỏe và thảo luận về các lựa chọn giảm cân phù hợp.

Nguyên nhân
Mặc dù có những ảnh hưởng về di truyền, hành vi, chuyển hóa và nội tiết lên trọng lượng cơ thể, béo phì vẫn xảy ra khi bạn nạp vào nhiều calo hơn mức đốt cháy thông qua các hoạt động và tập luyện thông thường hàng ngày. Cơ thể bạn dự trữ lượng calo dư thừa này dưới dạng mỡ.

Ở Hoa Kỳ, chế độ ăn của hầu hết mọi người đều có quá nhiều calo – thường là từ thức ăn nhanh và đồ uống có lượng calo cao. Những người mắc bệnh béo phì có thể ăn nhiều calo hơn trước khi cảm thấy no, thường cảm thấy đói sớm hơn hoặc ăn nhiều hơn do căng thẳng hoặc lo lắng.

Nhiều người sống ở các nước phương Tây hiện nay có những công việc ít đòi hỏi vận động thể chất hơn nên họ không có xu hướng đốt cháy nhiều calo tại nơi làm việc. Ngay cả các hoạt động hàng ngày cũng sử dụng ít calo hơn nhờ các tiện ích như điều khiển từ xa, thang cuốn, mua sắm trực tuyến.

Các yếu tố nguy cơ
Béo phì thường là kết quả của sự kết hợp nhiều nguyên nhân và yếu tố góp phần.

Sự di truyền và ảnh hưởng của gia đình
Các gen bạn thừa hưởng từ cha mẹ có thể ảnh hưởng đến lượng mỡ trong cơ thể bạn tích trữ và nơi phân bổ lượng mỡ đó. Di truyền cũng có thể đóng một vai trò trong việc cơ thể bạn chuyển đổi thức ăn thành năng lượng hiệu quả như thế nào, cơ thể bạn điều chỉnh sự thèm ăn như thế nào và cơ thể bạn đốt cháy calo như thế nào trong khi tập luyện.

Béo phì có xu hướng di truyền trong gia đình. Đó không chỉ là do gen mà họ thừa hưởng. Các thành viên trong gia đình cũng có xu hướng có chung thói quen ăn uống và vận động.

Lối sống hằng ngày
– Chế độ ăn uống không lành mạnh. Một chế độ ăn nhiều calo, thiếu trái cây và rau quả, nhiều đồ ăn nhanh, nhiều đồ uống có hàm lượng calo cao và khẩu phần quá nhiều sẽ góp phần làm tăng cân.
– Calo từ chát lỏng. Mọi người có thể uống nhiều calo mà không cảm thấy no, đặc biệt là lượng calo từ rượu. Các loại đồ uống có hàm lượng calo cao khác, chẳng hạn như nước ngọt, có thể góp phần làm tăng cân.
– Ít vận động. Nếu bạn có lối sống ít vận động, bạn có thể dễ dàng nạp nhiều calo mỗi ngày hơn mức đốt cháy thông qua tập thể dục và các hoạt động thường ngày. Số giờ ngồi trước màn hình có liên quan nhiều đến việc tăng cân.

Một số bệnh và thuốc
Ở một số người, béo phì có thể bắt nguồn từ nguyên nhân bệnh lý, chẳng hạn như suy giáp, hội chứng Cushing, hội chứng Prader-Willi và các tình trạng khác. Các vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như viêm khớp, cũng có thể giảm hoạt động, dẫn đến tăng cân.

Một số loại thuốc có thể dẫn đến tăng cân nếu bạn không điều chỉnh chế độ ăn uống hoặc vận động. Những loại thuốc này bao gồm steroid, một số thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh, thuốc trị tiểu đường, thuốc chống loạn thần và một số thuốc chẹn beta.

Các vấn đề kinh tế và xã hội
Các yếu tố xã hội và kinh tế có liên quan đến béo phì. Thật khó để tránh béo phì nếu bạn không có khu vực an toàn để đi bộ hoặc tập thể dục. Bạn có thể chưa biết được cách tự nấu ăn lành mạnh. Hoặc bạn có thể không được tiếp cận với những thực phẩm lành mạnh hơn. Ngoài ra, những người bạn tiếp xúc nhiều cũng có thể ảnh hưởng đến cân nặng của bạn. Bạn có nhiều khả năng mắc bệnh béo phì nếu có bạn bè hoặc người thân mắc bệnh béo phì.

Tuổi
Béo phì có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, ngay cả ở trẻ nhỏ. Nhưng khi bạn già đi, sự thay đổi nội tiết tố và lối sống ít vận động hơn sẽ làm tăng nguy cơ béo phì. Lượng cơ bắp trong cơ thể bạn cũng có xu hướng giảm dần theo tuổi tác. Khối lượng cơ ít hơn thường dẫn đến giảm sự trao đổi chất. Những thay đổi này cũng làm giảm nhu cầu calo và có thể khiến việc giảm cân trở nên khó khăn hơn. Nếu bạn không kiểm soát một cách có ý thức những gì mình ăn và vận động cơ thể nhiều hơn khi có tuổi, bạn có thể sẽ dễ tăng cân.

Các yếu tố khác
– Mang thai. Tăng cân là điều bình thường khi mang thai. Một số phụ nữ cảm thấy khó giảm cân sau khi sinh. Việc tăng cân này có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh béo phì ở phụ nữ.
– Bỏ hút thuốc lá. Bỏ hút thuốc thường liên quan đến việc tăng cân. Và đối với một số người, nó có thể dẫn đến tăng cân đủ để được coi là béo phì.
– Thiếu ngủ. Ngủ không đủ giấc có thể gây ra những thay đổi trong hormone làm tăng cảm giác thèm ăn. Bạn cũng có thể thèm ăn những thực phẩm giàu calo và carbohydrate, có thể góp phần làm tăng cân.
– Căng thẳng. Nhiều yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến tâm trạng và sức khỏe có thể góp phần gây ra béo phì. Mọi người thường tìm kiếm nhiều thực phẩm có hàm lượng calo cao trong những tình huống căng thẳng.
– Hệ vi sinh vật. Thành phần vi khuẩn đường ruột của bạn bị ảnh hưởng bởi những gì bạn ăn và có thể góp phần làm tăng cân hoặc khó giảm cân.

Ngay cả khi bạn có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ này, điều đó không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ mắc bệnh béo phì. Bạn có thể giảm thiểu hầu hết các yếu tố nguy cơ thông qua chế độ ăn uống, hoạt động thể lực và tập thể dục. Thay đổi hành vi, thuốc và các thủ thuật điều trị béo phì cũng có thể hữu ích.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *