BỆNH TAY CHÂN MIỆNG

Tổng quan
Bệnh tay chân miệng là một bệnh nhiễm vi-rút dễ lây và thường gặp ở trẻ em. Các triệu chứng bao gồm loét miệng và phát ban ở tay và chân. Bệnh tay chân miệng thường do vi-rút coxsackie gây ra.

Không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng. Rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc gần với những người mắc bệnh có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh cho con trẻ.

Triệu chứng
Bệnh tay chân miệng có thể gây ra tất cả các triệu chứng sau hoặc chỉ một vài trong các triệu chứng dưới đây, bao gồm:

  • Sốt.
  • Đau họng.
  • Cảm giác mệt mỏi
  • Các tổn thương mụn nước, gây đau ở lưỡi, nướu và bên trong má.
  • Phát ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và đôi khi ở mông. Phát ban không ngứa, nhưng đôi khi có mụn nước. Tùy thuộc vào tông màu da, phát ban có thể có màu đỏ, trắng, xám hoặc chỉ biểu hiện dưới dạng các nốt nhỏ.
  • Quấy khóc, khó chịu ở trẻ nhũ nhi, lứa tuổi biết đi
  • Chán ăn.

Khoảng thời gian thông thường từ khi nhiễm vi rút đến khi các triệu chứng xuất hiện (thời gian ủ bệnh) là từ 3 đến 6 ngày. Trẻ em có thể bị sốt và đau họng. Đôi khi trẻ chán ăn và trông không khỏe.

Một hoặc hai ngày sau khi sốt bắt đầu, các vết loét đau có thể xuất hiện ở vùng trước miệng hoặc họng. Phát ban ở tay và chân và đôi khi ở mông cũng có thể xuất hiện.

Các vết loét ở phía thành sau miệng và cổ họng có thể gợi ý một căn bệnh do vi-rút liên quan được gọi là herpangina. Các đặc điểm khác của herpangina bao gồm sốt cao đột ngột và trong một số trường hợp, có thể kèm co giật. Trong các trường hợp hiếm hoi, vết loét xuất hiện ở tay, chân hoặc các vị trí khác của cơ thể.

Khi nào cần đi khám bác sĩ
Bệnh tay chân miệng nhìn chung là một bệnh nhẹ. Bệnh thường chỉ gây sốt và các triệu chứng nhẹ trong vài ngày. Hãy gọi cho bác sĩ nếu con bạn dưới sáu tháng tuổi, có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc bị loét miệng hay đau họng gây khó chịu khi ăn uống. Hãy đi khám nếu các triệu chứng của con trẻ không cải thiện sau 10 ngày.

Nguyên nhân
Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh tay chân miệng là do nhiễm virus coxsackie 16. Virus coxsackie này thuộc nhóm virus được gọi là enterovirus không phải bại liệt. Các loại enterovirus khác cũng có thể gây ra bệnh tay chân miệng.

Hầu hết những người bị nhiễm virus coxsackie và bệnh tay chân miệng qua đường miệng. Bệnh lây lan qua tiếp xúc giữa người với người thông qua:

  • Dịch tiết mũi hoặc dịch tiết hầu họng
  • Nước bọt
  • Dịch từ mụn nước
  • Phân
  • Các giọt hô hấp bắn vào không khí sau khi ho hoặc hắt hơi

Thường gặp ở cơ sở chăm sóc trẻ em

Bệnh tay chân miệng phổ biến nhất ở các bé được chăm sóc tại các nhà trẻ. Đó là vì trẻ nhỏ cần thay tã thường xuyên và giúp đi vệ sinh. Trẻ cũng có xu hướng cho tay vào miệng.

Con bạn dễ lây nhiễm nhất trong tuần đầu tiên mắc bệnh tay chân miệng. Nhưng virus có thể tồn tại trong cơ thể thêm nhiều tuần sau khi các triệu chứng biến mất. Điều đó có nghĩa là con bạn vẫn có thể lây nhiễm cho người khác. Một số người, đặc biệt là người lớn, có thể truyền vi-rút mà không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào của bệnh.

Các đợt bùng phát của bệnh thường xảy ra vào mùa hè và đầu mùa thu ở Hoa Kỳ. Ở vùng khí hậu nhiệt đới, các đợt bùng phát xảy ra vào mùa mưa.

Các yếu tố nguy cơ
Tuổi là yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh tay chân miệng. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 đến 7 tuổi. Trẻ em trong các cơ sở chăm sóc trẻ đặc biệt dễ bị bệnh vì bệnh lây lan qua tiếp xúc giữa người với người.

Bệnh tay chân miệng thường ảnh hưởng đến trẻ nhỏ, nhưng bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh.

Trẻ lớn và người lớn được cho là có khả năng miễn dịch với bệnh tay chân miệng. Họ thường tạo ra kháng thể sau khi tiếp xúc với vi-rút gây bệnh. Nhưng thanh thiếu niên và người lớn đôi khi vẫn mắc bệnh tay chân miệng.

Biến chứng
Biến chứng phổ biến nhất của bệnh tay chân miệng là mất nước. Bệnh có thể gây loét ở miệng và họng, khiến trẻ nuốt đau. Khuyến khích trẻ uống nhiều nước trong thời gian bị bệnh. Nếu trẻ bị mất nước quá nhiều, trẻ có thể cần truyền dịch tĩnh mạch tại bệnh viện.

Bệnh tay chân miệng thường là bệnh nhẹ. Bệnh thường chỉ gây sốt và các triệu chứng nhẹ trong vài ngày. Đôi khi, enterovirus gây bệnh tay chân miệng xâm nhập vào não và gây ra các biến chứng nghiêm trọng:

  • Viêm màng não do vi-rút. Đây là tình trạng nhiễm trùng và viêm màng não và dịch não tủy hiếm gặp.
  • Viêm não. Đây là biến chứng nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, viêm não rất hiếm gặp.

Phòng ngừa
Bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng ở trẻ theo nhiều cách:

  • Rửa tay thường xuyên. Rửa tay trong ít nhất 20 giây. Đảm bảo rửa tay sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã. Ngoài ra, hãy rửa tay trước khi chế biến hoặc ăn thức ăn và sau khi xì mũi, hắt hơi hoặc ho. Khi không có xà phòng và nước, hãy sử dụng nước rửa tay khô.
  • Dạy trẻ vệ sinh tốt. Chỉ cho trẻ cách rửa tay và giúp trẻ rửa tay thường xuyên. Chỉ cho trẻ cách thực hành vệ sinh cá nhân tốt. Giải thích cho trẻ lý do tại sao không nên cho ngón tay, bàn tay hoặc bất kỳ vật nào khác vào miệng.
  • Khử trùng các khu vực chung. Trước tiên, hãy vệ sinh các khu vực và bề mặt có nhiều người qua lại bằng xà phòng và nước. Sau đó, vệ sinh bằng dung dịch thuốc tẩy clo pha loãng và nước. Nếu bạn đang ở trong môi trường chăm sóc trẻ em, hãy tuân thủ quy trình vệ sinh và khử trùng nghiêm ngặt. Vi-rút có thể sống trong nhiều ngày trên các bề mặt ở những khu vực chung, bao gồm cả trên tay nắm cửa và trên các vật dụng dùng chung như đồ chơi.
  • Tránh tiếp xúc gần. Vì bệnh tay chân miệng rất dễ lây lan, những người mắc bệnh nên hạn chế tiếp xúc với người khác khi có triệu chứng. Không cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến nhà trẻ hoặc trường học cho đến khi hết sốt và vết loét miệng đã lành. Nếu bạn bị bệnh, hãy nghỉ làm ở nhà.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *