CÁCH NHẬN BIẾT MỘT TRƯỜNG HỢP NHỒI MÁU NÃO

Đột quỵ do nhồi máu não là tình trạng cấp cứu y tế do tắc nghẽn mạch máu cung cấp máu cho một vùng não. Các triệu chứng có thể bao gồm liệt mặt, yếu một bên chân tay và nói lắp bắp.

Đột quỵ do nhồi máu não còn được gọi là thiếu máu não cục bộ. Thiếu máu cục bộ là thuật ngữ y khoa chỉ tình trạng “thiếu máu nuôi”. Tình trạng tắc nghẽn thường do cục máu đông hoặc chất béo lắng đọng bên trong mạch máu.

Theo Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ, nhồi máu não là loại đột quỵ phổ biến nhất, chiếm khoảng 87% trong số tất cả các trường hợp đột quỵ.

Đột quỵ xuất huyết là một loại đột quỵ khác liên quan đến tình trạng vỡ mạch máu trong não. Một loại tai biến mạch máu não thứ ba là cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA). Đây chỉ là tạm thời và không liên quan đến tổn thương não. Thường được gọi là “đột quỵ nhỏ”, chúng được coi là dấu hiệu sớm của đột quỵ.

Các triệu chứng của đột quỵ do nhồi mãu não là gì?
Các triệu chứng cụ thể của đột quỵ do nhồi máu não phụ thuộc vào vùng não bị ảnh hưởng. Đột quỵ thường xảy ra mà không có dấu hiệu báo trước, do đó các triệu chứng có thể đột ngột và dữ dội.

Các triệu chứng phổ biến của đột quỵ có thể bao gồm:

  • lệch mặt hoặc méo miệng một bên
  • yếu hoặc liệt ở một hoặc nhiều chi, ở một bên cơ thể (liệt nửa người)
  • khó nói, như nói đớ
  • chóng mặt
  • lơ mơ
  • mất phối hợp vận động
  • các vấn đề về thị lực, chẳng hạn như mù một bên mắt, nhìn mờ hoặc nhìn đôi
  • đau đầu (ít gặp hơn nhưng vẫn có thể xảy ra)
    Các triệu chứng đột quỵ do thiếu máu cục bộ thường đột ngột. Việc chăm sóc y tế ngay lập tức là điều cần thiết ngay khi bạn gặp các triệu chứng đầu tiên. Điều này làm giảm khả năng để lại các di chứng về sau.

Để kiểm tra bạn hoặc người khác có bị đột quỵ hay không, hãy kiểm tra các dấu hiệu theo FAST:

  • F – Face (Khuôn mặt): Một bên mặt hoặc miệng có bị xệ xuống khi bạn cười hoặc nói. Một trong hai mí mắt có bị sụp xuống không?
  • A – Arms (Cánh tay): Khi giơ cả hai tay lên, một bên có bị sụp xuống không? Việc giơ một tay có khó không? Một bên tay có yếu hơn bên kia không?
  • S – Speech (Giọng nói): Khi nói hoặc lặp lại một câu hoàn chỉnh, các từ có bị líu lưỡi không? Nói chuyện có mạch lạc không?
  • T – Time (Thời gian): Nếu câu trả lời cho bất kỳ câu hỏi nào trong số này là có, thì đến lúc nên gọi cấp cứu càng sớm càng tốt. Nếu được chăm sóc càng sớm thì cơ hội sống sót sau cơn đột quỵ càng cao.

Các triệu chứng của TIA, còn gọi là đột quỵ nhỏ, có thể kéo dài trong một thời gian ngắn trước khi tình trạng tắc nghẽn lưu lượng máu tự khỏi. Tuy nhiên, chăm sóc y tế vẫn rất cần thiết để ngăn ngừa các biến chứng. Trong một số trường hợp, TIA sau đó là đột quỵ do nhồi máu não.

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Hoa Kỳ, nhưng không phải tất cả các trường hợp đều tử vong.

Nguyên nhân nào gây ra đột quỵ do nhồi máu não?
Đột quỵ do nhồi máu não xảy ra khi động mạch cung cấp máu cho một vùng não bị chặn bởi cục máu đông hoặc tích tụ chất béo ở thành mạch máu, được gọi là mảng xơ vữa. Sự tắc nghẽn này có thể xuất hiện ở cổ hoặc trong hộp sọ.

Các cục máu đông thường bắt đầu ở tim và di chuyển qua hệ thống tuần hoàn. Một cục máu đông có thể tự vỡ hoặc bị kẹt trong động mạch. Khi nó chặn động mạch não, một vùng não không nhận đủ máu giàu oxy và các tế bào bắt đầu chết.

Đột quỵ do nhồi máu não do lắng đọng chất béo xảy ra khi mảng bám tách ra khỏi động mạch và di chuyển đến não. Mảng bám cũng có thể lắng đọng trong các động mạch cung cấp máu cho não và làm hẹp các động mạch đó (xơ vữa động mạch) đủ để gây ra đột quỵ do nhồi máu não.

Nhồi máu não toàn bộ, là một loại đột quỵ do thiếu máu cục bộ nghiêm trọng hơn, xảy ra khi lưu lượng oxy đến não giảm đáng kể hoặc ngừng hoàn toàn. Tình trạng này thường do nhồi máu cơ tim gây ra, nhưng cũng có thể là hậu quả của các tình trạng khác, chẳng hạn như ngộ độc khí carbon monoxide.

Các yếu tố góp phần gây ra đột quỵ do nhồi máu não là gì?
Các các lý về tim mạch là yếu tố nguy cơ chính gây ra đột quỵ do nhồi máu não. Đó là vì chúng làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông hoặc lắng đọng chất béo. Tuy nhiên, không phải ai mắc các tình trạng này cũng sẽ bị đột quỵ. Các tình trạng này bao gồm:

  • huyết áp cao
  • cholesterol máu cao
  • rung nhĩ
  • hồng cầu hình liềm
  • rối loạn đông máu và xuất huyết
  • tim bẩm sinh
  • xơ vữa động mạch
  • nhồi máu cơ tim trước đó

Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ bao gồm:

  • bệnh tiểu đường
  • hút thuốc lá
  • lạm dụng rượu nặng
  • béo bụng và mỡ nội tạng

Bạn cũng có thể có nguy cơ đột quỵ do nhồi máu não cao hơn nếu bạn có tiền sử gia đình bị đột quỵ hoặc đã từng bị đột quỵ.

Đột quỵ do nhồi máu não được chẩn đoán như thế nào?
Bác sĩ thường chẩn đoán đột quỵ dựa trên khám lâm sàng, xem xét tiền sử gia đình và kiểm tra triệu chứng. Dựa trên các triệu chứng của bạn, họ cũng có thể biết được vị trí tắc nghẽn, nhưng họ có thể cần thực hiện các xét nghiệm để xác định bạn có bị đột quỵ hay không.

Nếu bạn có các triệu chứng như thay đổi tri giác và nói đớ, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm đo lượng đường trong máu. Đó là vì rối loạn tri giác và nói đớ cũng là triệu chứng của tình trạng hạ đường huyết nặng.

Bác sĩ cũng cần loại trừ phình động mạch, gây ra các triệu chứng tương tự như đột quỵ. Chụp MRI có thể giúp xác định chẩn đoán này. Chụp CT sọ não cũng có thể giúp phân biệt đột quỵ do thiếu máu cục bộ với các nguyên nhân khác gây tổn thương nhu mô não, chẳng hạn như xuất huyết hoặc khối u não.

Sau khi bác sĩ chẩn đoán đột quỵ do nhồi máu não, họ sẽ cố gắng đánh giá thời điểm đột quỵ bắt đầu và nguyên nhân gây bệnh là gì.

MRI là cách tốt để xác định thời điểm bắt đầu của đột quỵ do nhồi máu não. Các xét nghiệm được sử dụng để xác định nguyên nhân có thể bao gồm:

  • điện tâm đồ để kiểm tra nhịp tim bất thường
  • siêu âm tim để kiểm tra tim có cục máu đông hoặc bất thường không
  • chụp mạch để xác định động mạch nào bị tắc và mức độ tắc nghẽn nghiêm trọng như thế nào
  • xét nghiệm máu để đo lượng cholesterol và các vấn đề về đông máu

Những biến chứng nào liên quan đến đột quỵ do nhồi máu não?
Nếu đột quỵ do nhồi máu não không được điều trị kịp thời, nó có thể dẫn đến tổn thương não hoặc tử vong.

Một số biến chứng của đột quỵ bao gồm:

  • mất thị lực
  • liệt mặt
  • mất trí nhớ
  • co giật
  • thay đổi hành vi
  • lú lẫn
  • nói khó
  • yếu cơ

Đột quỵ do nhồi máu não được điều trị như thế nào?

Mục tiêu đầu tiên của điều trị đột quỵ là phục hồi lưu lượng máu đến vùng não bị ảnh hưởng.

Phương pháp điều trị chính cho đột quỵ do thiếu máu cục bộ là sử dụng chất hoạt hóa plasminogen mô (tPA) tiêm tĩnh mạch (IV), một loại thuốc ly giải cục máu đông.

tPA có thể hiệu quả nhất khi được dùng trong vòng 4 giờ sau khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên. Phương pháp điều trị này không thể được thực hiện quá 5 giờ sau khi đột quỵ bắt đầu.

Vì tPA có thể gây chảy máu, bạn có thể không được tiêm nếu có tiền sử:

  • đột quỵ xuất huyết
  • phẫu thuật lớn gần đây hoặc chấn thương đầu
  • sử dụng thuốc chống đông máu

Nếu tPA không hiệu quả, có thể cần phẫu thuật để loại bỏ cục máu đông. Có thể loại bỏ cục máu đông bằng phương pháp cơ học trong vòng 24 giờ sau khi các triệu chứng đột quỵ xuất hiện.

Các phương pháp điều trị dài hạn có thể bao gồm sử dụng aspirin hoặc thuốc chống đông để ngăn ngừa cục máu đông sau đó.

Nếu đột quỵ nhồi máu não là do tình trạng như huyết áp cao, tăng cholesterol máu hoặc xơ vữa động mạch, thì cần phải điều trị các tình trạng đó. Ví dụ, bác sĩ có thể đề nghị đặt stent để mở rộng động mạch bị hẹp do mảng xơ vữa hoặc sử dụng statin để hạ mức cholesterol.

Sau đột quỵ thiếu máu cục bộ, bạn có thể cần nằm viện để theo dõi ít ​​nhất 5 ngày. Nếu đột quỵ gây liệt hoặc suy nhược nghiêm trọng, bạn có thể cần phục hồi chức năng vận động.

Quá trình phục hồi sau đột quỵ do nhồi máu não
Quá trình phục hồi sau đột quỵ có thể mất vài tuần hoặc vài tháng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng. Phục hồi chức năng thường là cần thiết để lấy lại các chức năng vận động và khả năng phối hợp. Vật lý trị liệu và ngôn ngữ trị liệu có thể hữu ích giúp phục hồi lại các chức năng bị ảnh hưởng.

Nếu bạn vẫn gặp nhiều khó khăn sau một năm điều trị, điều này có thể cho thấy rằng chúng có khả năng để lại di chứng vĩnh viễn.

Bị đột quỵ nhồi máu não một lần khiến bạn có nguy cơ cao bị tái phát. Bác sĩ có thể đề nghị thay đổi lối sống để giảm nguy cơ, chẳng hạn như bỏ thuốc lá và tăng cường vận động thể lực.

Tóm lại,
Đột quỵ do nhồi máu não là tình trạng tắc nghẽn ở một trong các động mạch cung cấp máu cho não. Các dấu hiệu sớm bao gồm liệt mặt một bên hoặc méo miệng, nói đớ, lú lẫn và yếu cơ. Đột quỵ là một trường hợp cấp cứu y tế và việc được điều trị sớm trong vòng 3 giờ sau khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên giúp cải thiện tiên lượng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *