PHÙ PHỔI: TRIỆU CHỨNG VÀ NGUYÊN NHÂN

Tổng quan

Phù phổi là tình trạng gây ra do tích tụ quá nhiều dịch trong phổi. Dịch tích tụ trong nhiều túi khí phế nang, khiến việc thở trở nên khó khăn.

Trong hầu hết các trường hợp, các vấn đề về tim gây ra phù phổi. Nhưng dịch có thể tích tụ trong phổi vì những lý do khác. Bao gồm viêm phổi, tiếp xúc với một số chất độc, thuốc, chấn thương thành ngực.

Phù phổi nếu xảy ra đột ngột (phù phổi cấp) là trường hợp cấp cứu y tế cần được xử trí ngay lập tức. Phù phổi đôi khi có thể gây tử vong. Điều trị phù phổi tùy thuộc vào nguyên nhân nhưng thường đi kèm thở oxy và thuốc.

Triệu chứng

Các triệu chứng phù phổi có thể xuất hiện đột ngột hoặc tiến triển theo thời gian. Các triệu chứng phụ thuộc vào loại phù phổi.

Các triệu chứng phù phổi đột ngột (cấp tính)

    • Khó thở hoặc thở nhanh, tăng hơn khi hoạt động hoặc khi nằm
    • Cảm giác ngạt thở hoặc đuối nước nặng hơn khi nằm
    • Ho khạc đờm có thể có bọt hồng
    • Nhịp tim nhanh, không đều (đánh trống ngực)
    • Lo lắng, bồn chồn hoặc cảm giác điều gì đó tồi tệ sắp xảy ra
    • Da lạnh ẩm
    • Thở khò khè hoặc thở hổn hển

Dấu hiệu và triệu chứng phù phổi kéo dài (mãn tính)

    • Thức giấc vào ban đêm với cảm giác ho hoặc khó thở, thuyên giảm khi ngồi dậy
    • Khó thở khi hoạt động hoặc khi nằm 
    • Mệt mỏi
    • Khó thở nhiều khi bạn hoạt động thể chất
    • Ho mới xuất hiện hoặc ho nặng hơn
    • Tăng cân nhanh
    • Phù chân và bàn chân
    • Thở khò khè

Dấu hiệu và triệu chứng phù phổi do độ cao (High-altitude pulmonary edema – HAPE)

Phù phổi do độ cao (HAPE) có thể xảy ra ở người lớn và trẻ em đi du lịch hoặc tập thể dục ở độ cao lớn. Các triệu chứng tương tự như các triệu chứng xảy ra với phù phổi cấp tính, bao gồm:

    • Đau đầu, có thể là triệu chứng đầu tiên
    • Khó thở khi hoạt động, sau đó trở thành khó thở khi nghỉ ngơi
    • Không thể tập thể dục nhiều như trước đây
    • Lúc đầu là ho khan
    • Sau đó là ho ra đờm có bọt hồng hoặc có máu
    • Nhịp tim rất nhanh 
    • Đau ngực
    • Sốt nhẹ

Các triệu chứng của phù phổi do độ cao (HAPE) có xu hướng trở nên xấu hơn vào ban đêm.

Khi nào cần đi khám bác sĩ

Phù phổi xuất hiện đột ngột (phù phổi cấp) có thể đe dọa tính mạng. Gọi cấp cứu nếu bạn có bất kỳ triệu chứng cấp tính nào sau đây:

    • Khó thở, đặc biệt là khi xuất hiện đột ngột
    • Khó thở hoặc cảm giác ngạt thở (chết đuối trên cạn)
    • Thở khò khè 
    • Ho ra đờm có màu hồng hoặc có máu
    • Khó thở kèm theo đổ nhiều mồ hôi
    • Da xanh tái
    • Lơ mơ
    • Huyết áp giảm mạnh gây choáng váng, chóng mặt, yếu hoặc đổ mồ hôi
    • Bất kỳ triệu chứng phù phổi nào đột nhiên trở nên xấu hơn

Đừng tự lái xe đến bệnh viện. Thay vào đó, hãy ngay cấp cứu và kêu gọi sự giúp đỡ.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây phù phổi rất đa dạng. Phù phổi được chia thành hai loại, tùy thuộc vào vị trí cơ quan bắt đầu .

Nếu phù phổi do tim gây ra, thì được gọi là phù phổi do tim. Thông thường, tình trạng tích tụ dịch trong phổi là do bệnh tim. Nếu phù phổi không liên quan đến tim thì được gọi là phù phổi không do tim. Đôi khi, phù phổi có thể do cả vấn đề về tim và vấn đề không liên quan đến tim gây ra. Hiểu được mối quan hệ giữa phổi và tim có thể giúp giải thích tại sao phù phổi xảy ra.

Phổi hoạt động như thế nào

Phổi chứa nhiều túi khí nhỏ, đàn hồi được gọi là phế nang. Với mỗi lần hít vào, các túi khí này lấy oxy và thải ra carbon dioxide. Thông thường, quá trình trao đổi khí diễn ra mà không có vấn đề gì. Nhưng đôi khi, phế nang chứa đầy dịch thay vì không khí. Điều này ngăn không cho máu lấy oxy.

Tim hoạt động như thế nào

Tim thông thường được tạo thành từ hai ngăn trên và hai ngăn dưới. Các buồng trên (tâm nhĩ phải và trái) tiếp nhận máu đi vào và bơm máu vào các buồng dưới (tâm thất phải và trái). Các buồng dưới bơm máu ra khỏi tim.

Thông thường, máu nghèo oxy từ khắp cơ thể sẽ đi vào tâm nhĩ phải rồi đến tâm thất phải. Từ đó, máu được bơm qua động mạch phổi đến phổi. Tại đó, máu giải phóng carbon dioxide và hấp thụ oxy khi chảy qua các phế nang.

Sau đó, máu giàu oxy trở về tâm nhĩ trái qua các tĩnh mạch phổi. Sau đó, máu chảy qua van hai lá vào tâm thất trái. Cuối cùng, máu rời khỏi tim qua động mạch chính của cơ thể (động mạch chủ).

Các van tim giữ cho máu chảy theo đúng hướng. Van động mạch chủ giữ cho máu không chảy ngược lại tim. Từ động mạch chủ, máu di chuyển đến các cơ quan còn lại của cơ thể.

Phù phổi do tim

Phù phổi do tim xảy ra do tăng áp lực trong tim. Thường là do suy tim. Khi tâm thất trái bị bệnh hoặc làm việc quá sức không thể bơm đủ máu từ phổi ra ngoài, áp lực trong tim sẽ tăng lên. Áp lực tăng đẩy dịch qua thành mạch máu vào các túi khí.

Các tình trạng bệnh lý có thể gây suy tim và dẫn đến phù phổi bao gồm:

    • Bệnh động mạch vành. Theo thời gian, các động mạch cung cấp máu cho cơ tim có thể bị hẹp do các mảng bám mỡ. Động mạch vành bị hẹp dần có thể làm suy yếu tâm thất trái. Đôi khi, cục máu đông hình thành trong một trong những động mạch bị hẹp này. Cục máu đông chặn dòng máu và làm tổn thương một phần cơ tim, dẫn đến cơn nhồi máu cơ tim. Cơ tim bị tổn thương không còn có thể bơm máu tốt như bình thường.
    • Bệnh cơ tim. Thuật ngữ này có nghĩa là tổn thương cơ tim. Trong bệnh cơ tim, tim bơm máu khó khăn hơn và áp lực tăng lên. Khi đó, tim có thể không thể làm việc tăng hơn khi cần, chẳng hạn như khi tập thể dục hoặc khi bị nhiễm trùng hoặc tăng huyết áp. Khi tâm thất trái không thể đáp ứng được nhu cầu, dịch sẽ trào ngược vào phổi.
    • Các vấn đề về van tim. Hẹp van động mạch chủ hoặc van hai lá sẽ ảnh hưởng đến lưu lượng máu vào tim. Hở van đột ngột có thể gây phù phổi đột ngột.
    • Tăng huyết áp. Huyết áp cao không được điều trị hoặc không kiểm soát có thể làm tim to ra.
    • Các vấn đề về tim khác. Viêm cơ tim, các vấn đề về tim xuất hiện khi mới sinh (tim bẩm sinh) và nhịp tim không đều (loạn nhịp tim) cũng có thể gây phù phổi.
    • Bệnh thận. Huyết áp cao do động mạch thận bị hẹp (hẹp động mạch thận) hoặc tích tụ dịch do bệnh thận có thể gây phù phổi.
    • Các tình trạng bệnh lý mãn tính. Bệnh tuyến giáp và sự tích tụ sắt (hemochromatosis) hoặc protein (bệnh lắng đọng amyloid) cũng có thể gây suy tim và phù phổi.

Phù phổi không do tim

Phù phổi không phải do tăng áp lực trong tim được gọi là phù phổi không do tim. Nguyên nhân gây phù phổi không do tim bao gồm:

    • Hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS). Tình trạng nghiêm trọng này xảy ra khi phổi đột nhiên chứa đầy dịch. Nhiều tình trạng có thể gây ra hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS), bao gồm chấn thương nặng, nhiễm trùng lan rộng (nhiễm trùng huyết), viêm phổi và xuất huyết nặng.
    • Phản ứng thuốc hoặc dùng thuốc quá liều. Nhiều loại thuốc — từ aspirin đến các loại thuốc cấm như heroin và cocaine – được biết là gây phù phổi.
    • Cục máu đông trong phổi (thuyên tắc phổi). Một cục máu đông di chuyển từ các mạch máu ở chân đến phổi có thể gây phù phổi.
    • Tiếp xúc với một số chất độc nhất định. Hít phải chất độc hoặc hít phải một số chất trong dạ dày khi nôn (hít sặc) gây kích thích dữ dội các đường dẫn khí nhỏ và phế nang, dẫn đến tích tụ dịch.
    • Độ cao. Phù phổi đã được phát hiện ở những người leo núi, trượt tuyết, đi bộ đường dài và những người đi đến những nơi có độ cao lớn, thường là trên khoảng 2.400 mét. Phù phổi do độ cao lớn (HAPE) thường xảy ra ở những người không có thời gian nhiều ngày hoặc nhiều tuần để làm quen với độ cao. Nhưng những người sống ở độ cao lớn có thể bị HAPE mà không cần thay đổi độ cao nếu họ mắc bệnh về đường hô hấp.
    • Suýt chết đuối. Hít phải nước khiến dịch tích tụ trong phổi.
    • Phù phổi áp lực âm. Đường hô hấp trên bị tắc nghẽn gây ra áp lực âm trong phổi do cố gắng thở qua chỗ tắc nghẽn. Nếu được điều trị, hầu hết những người mắc loại phù phổi này sẽ hồi phục trong khoảng 24 giờ.
    • Các tình trạng hoặc phẫu thuật hệ thần kinh. Một loại phù phổi được gọi là phù phổi thần kinh có thể xảy ra sau chấn thương đầu, co giật hoặc phẫu thuật não.
    • Hít phải khói. Khói từ đám cháy có chứa các hóa chất làm tổn thương màng giữa các túi khí và mao mạch. Tổn thương này cho phép dịch xâm nhập vào phổi.
    • Tổn thương phổi liên quan đến truyền máu. Truyền máu có thể gây quá tải dịch ở tâm thất trái, dẫn đến phù phổi.
    • Bệnh do vi-rút. Các loại vi-rút như vi-rút sốt xuất huyết Dengue có thể gây phù phổi.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *