Dậy thì sớm là khi cơ thể trẻ bắt đầu chuyển đổi thành cơ thể người lớn quá sớm. Sự thay đổi này được gọi là tuổi dậy thì. Hầu hết, tuổi dậy thì xảy ra sau 8 tuổi ở bé gái và sau 9 tuổi ở bé trai. Tuy nhiên, trẻ em da đen, gốc Tây Ban Nha và người Mỹ bản địa có thể dậy thì sớm hơn một cách tự nhiên. Dậy thì sớm là khi dậy thì bắt đầu quá sớm đối với đứa trẻ đang trải qua giai đoạn đó. Ở tuổi dậy thì, cơ và xương phát triển nhanh chóng. Cơ thể thay đổi hình dạng và kích thước và có khả năng sinh sản.
Nguyên nhân dậy thì sớm thường không tìm ra. Hiếm khi, một số tình trạng nhất định chẳng hạn như nhiễm trùng, vấn đề về hormone, khối u, vấn đề về não hoặc chấn thương có thể gây ra dậy thì sớm. Điều trị dậy thường bao gồm các loại thuốc để trì hoãn quá trình dậy thì sớm.
Triệu chứng
Các triệu chứng dậy thì sớm bao gồm:
- Sự phát triển của vú và có kinh ở bé gái.
- Sự phát triển của tinh hoàn và dương vật, lông mặt và giọng nói trầm hơn ở bé trai.
- Lông mu hoặc lông nách.
- Phát triển nhanh.
- Mụn.
- Mùi cơ thể như người lớn.
Nguyên nhân
Để hiểu nguyên nhân dậy thì sớm ở một số trẻ, cần biết điều gì xảy ra ở tuổi dậy thì. Não bắt đầu quá trình này bằng cách tạo ra một loại hormone gọi là hormone giải phóng gonadotropin (GnRH). Khi hormone này đến một tuyến nhỏ hình hạt đậu ở đáy não, được gọi là tuyến yên, nó sẽ tạo ra nhiều estrogen hơn trong buồng trứng và nhiều testosterone hơn trong tinh hoàn. Estrogen tạo nên đặc điểm giới tính nữ. Testosterone tạo nên đặc điểm giới tính nam.
Dậy thì sớm có 2 loại: Dậy thì sớm trung ương và dậy thì sớm ngoại biên.
Dậy thì sớm trung ương
Nguyên nhân của loại dậy thì sớm này thường không được biết rõ.
Với dậy thì sớm trung ương, tuổi dậy thì bắt đầu quá sớm nhưng lại phát triển bình thường. Trong một số ít trường hợp, những nguyên nhân sau đây có thể gây dậy thì sớm trung ương:
- Một khối u trong não hoặc tủy sống.
- Một sự thay đổi trong não có từ khi sinh ra. Đây có thể là sự tích tụ chất lỏng, được gọi là não úng thủy, hoặc một khối u không phải là ung thư, được gọi là u mô thừa.
- Tia xạ ảnh hưởng đến não hoặc tủy sống.
- Chấn thương não hoặc tủy sống.
- Một căn bệnh di truyền hiếm gặp ảnh hưởng đến xương, màu da và gây ra các vấn đề về nội tiết tố. Tình trạng này được gọi là hội chứng McCune-Albright.
- Một nhóm các vấn đề về di truyền, được gọi là tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, liên quan đến tuyến thượng thận tạo ra các hormone không điển hình.
- Một tình trạng gọi là suy giáp, trong đó tuyến giáp không tạo ra đủ hormone.
Dậy thì sớm ngoại biên
Estrogen hoặc testosterone được sản xuất quá sớm sẽ gây ra tình trạng dậy thì sớm này.
Với loại dậy thì sớm này, hormone trong não thường gây ra dậy thì sớm (GnRH) không có liên quan. Thay vào đó, nguyên nhân là do cơ thể giải phóng estrogen hoặc testosterone. Vấn đề với buồng trứng, tinh hoàn, tuyến thượng thận hoặc tuyến yên gây ra sự giải phóng hormone.
Những điều sau đây có thể dẫn đến dậy thì sớm ngoại biên:
- Khối u ở tuyến thượng thận hoặc tuyến yên tiết ra estrogen hoặc testosterone.
- Một căn bệnh di truyền hiếm gặp ảnh hưởng đến xương, màu da và gây ra các vấn đề về nội tiết tố. Tình trạng này được gọi là hội chứng McCune-Albright.
- Tiếp xúc với kem hoặc thuốc mỡ có chứa estrogen hoặc testosterone.
Ở bé gái, dậy thì sớm ngoại biên cũng có thể liên quan đến:
- U nang buồng trứng.
- Các khối u buồng trứng.
Ở bé trai, dậy thì sớm ngoại biên cũng có thể do:
- Một khối u trong các tế bào tạo ra tinh trùng hoặc trong các tế bào tạo ra testosterone.
- Một tình trạng di truyền hiếm gặp được gọi là dậy thì sớm có tính gia đình không phụ thuộc gonadotropin. Điều này có thể khiến các bé trai, thường ở độ tuổi từ 1 đến 4, sản xuất testosterone quá sớm.
Yếu tố nguy cơ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ dậy thì sớm bao gồm:
- Giới nữ: Con gái có nhiều khả năng dậy thì sớm hơn con trai.
- Béo phì: Thừa cân làm tăng nguy cơ dậy thì sớm.
Xét nghiệm và chẩn đoán
- Trước tiên, bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám và hỏi bệnh sử của con bạn.
- Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang bàn tay và cổ tay của con để kiểm tra tuổi xương. Nếu cơ thể con sản xuất quá nhiều hormone sinh sản, xương của chúng sẽ trưởng thành sớm hơn bình thường, điều này cho thấy trẻ dậy thì sớm.
- Bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone của con bạn. Những xét nghiệm này sẽ kiểm tra hormone tuyến yên – hormone tạo hoàng thể (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH). Những hormone này điều hòa tuổi dậy thì.
- Bác sĩ có thể đề nghị chụp MRI não (chụp cộng hưởng từ). Phương pháp này có thể giúp loại trừ các vấn đề trong não của con bạn, chẳng hạn như khối u.
- Siiêu âm vùng chậu nếu nghi ngờ dậy thì sớm ngoại biên. Cận lâm sàng này kiểm tra các khối u buồng trứng hoặc tuyến thượng thận.
Biến chứng
Các biến chứng có thể xảy ra của dậy thì sớm bao gồm:
- Chiều cao thấp. Trẻ dậy thì sớm ban đầu có thể phát triển nhanh và cao hơn những trẻ khác cùng tuổi. Nhưng xương của chúng trưởng thành quá sớm. Vì vậy, những đứa trẻ này thường ngừng phát triển sớm hơn bình thường. Điều này có thể khiến chúng thấp hơn mức trung bình khi trưởng thành.
- Các vấn đề xã hội và cảm xúc. Những đứa trẻ bắt đầu dậy thì sớm trước những trẻ cùng tuổi có thể cảm thấy khó chịu về những thay đổi trong cơ thể. Ví dụ, việc đối mặt với kỳ kinh nguyệt đầu tiên có thể gây ra căng thẳng. Điều này có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng và làm tăng nguy cơ trầm cảm hoặc sử dụng ma túy hoặc rượu bất hợp pháp.
Phòng ngừa
Không ai có thể tránh khỏi một số yếu tố nguy cơ dẫn đến dậy thì sớm, chẳng hạn như giới tính và chủng tộc. Nhưng có những điều có thể làm giảm nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ, bao gồm:
- Tránh xa trẻ khỏi bất cứ thứ gì có chứa estrogen hoặc testosterone. Chúng có thể bao gồm thuốc theo toa cho người lớn hoặc thực phẩm bổ sung.
- Khuyến khích trẻ duy trì cân nặng lí tưởng.