Thuốc tránh thai nội tiết không phải là không có tác dụng phụ. Giống như tất cả các loại thuốc, có những tác dụng có lợi và những rủi ro tiềm ẩn ảnh hưởng đến mỗi người một cách khác nhau.
Hầu hết đều tin rằng thuốc tránh thai nội tiết chỉ phục vụ một mục đích: tránh thai. Mặc dù nó rất hiệu quả so với các hình thức ngừa thai khác, nhưng tác dụng không chỉ giới hạn ở việc ngừa thai. Trên thực tế, chúng thậm chí có thể được sử dụng để giúp điều trị các vấn đề sức khỏe khác như giảm đau bụng kinh, trị mụn, v.v.
Thuốc tránh thai và miếng dán chỉ được bán khi được kê toa. Các biện pháp tránh thai dựa trên hormone có nhiều dạng, bao gồm:
- thuốc viên (hoặc thuốc tránh thai): Sự khác biệt chính giữa các nhãn hiệu là hàm lượng estrogen và progestin – đây là lý do tại sao một số phụ nữ chuyển đổi nhãn hiệu nếu họ cho rằng mình nhận được quá ít hoặc quá nhiều hormone, dựa trên các triệu chứng đã trải qua. Thuốc phải được uống mỗi ngày để tránh thai.
- miếng dán: Miếng dán cũng chứa estrogen và progestin, nhưng được đặt trên da. Miếng dán phải được thay đổi mỗi tuần một lần để có hiệu lực đầy đủ.
- vòng: Tương tự như miếng dán và thuốc viên, vòng cũng giải phóng estrogen và progestin vào cơ thể. Vòng được đặt bên trong âm đạo để niêm mạc âm đạo có thể hấp thụ hormone. Vòng phải được thay thế mỗi tháng một lần.
- mũi tiêm ngừa thai (Depo-Provera): Mũi tiêm chỉ chứa progestin và được tiêm 12 tuần một lần tại phòng khám bác sĩ.
- dụng cụ tử cung (DCTC): Có những loại DCTC có và không có hormone. Ở những loại giải phóng hormone, chúng có thể chứa progesterone. DCTC được bác sĩ đưa vào tử cung và phải được thay đổi sau mỗi 3 đến 10 năm, tùy thuộc vào loại.
- cấy que dưới da: Bộ cấy vào cánh tay có chứa progestin giải phóng qua que mảnh. Nó được bác sĩ đặt dưới da ở bên trong cánh tay. Nó kéo dài đến 3 năm.
Mỗi loại đều có những lợi ích và rủi ro tương tự nhau, mặc dù mỗi người phản ứng khác nhau với các hormone. Nếu bạn quan tâm đến việc ngừa thai, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về loại nào hiệu quả nhất đối với bạn. Ví dụ, một số người cảm thấy khó nhớ uống thuốc mỗi ngày nên cấy que hoặc đặt vòng tránh thai sẽ là lựa chọn tốt hơn. Ngoài ra còn có các lựa chọn ngừa thai không dùng nội tiết tố, có thể có các tác dụng phụ khác nhau.
Tuy nhiên, không có hình thức ngừa thai bằng nội tiết tố nào có thể bảo vệ khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs). Bạn vẫn cần sử dụng bao cao su để ngăn ngừa STDs.
Tác dụng của biện pháp tránh thai là gì?
Cơ quan sinh sản
Buồng trứng sản xuất nội tiết tố nữ estrogen và progestin một cách tự nhiên. Một trong hai loại hormone này có thể được tổng hợp và sử dụng trong các biện pháp tránh thai.
Nồng độ estrogen và progestin cao hơn bình thường sẽ ngăn cản buồng trứng phóng noãn. Không có trứng, tinh trùng không có gì để thụ tinh. Progestin cũng làm thay đổi chất nhầy cổ tử cung, khiến nó đặc và dính, do đó tinh trùng khó tìm đường vào tử cung hơn.
Ít đau bụng kinh hơn
Khi sử dụng một số biện pháp tránh thai nội tiết tố như dụng cụ tránh thai Mirena, bạn có thể thấy kinh nguyệt ít hơn và ngắn hơn, đồng thời giảm bớt các cơn đau bụng kinh và các triệu chứng tiền kinh nguyệt.
Những tác động này là một trong những lý do khiến một số phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai đặc biệt để điều trị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD), một dạng nghiêm trọng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). Một số phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung cũng dùng biện pháp tránh thai này để giảm bớt triệu chứng đau bụng.
Giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư
Sử dụng các biện pháp tránh thai dựa trên hormone thậm chí có thể làm giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung, đại trực tràng và buồng trứng.
Phụ nữ dùng hoặc đã uống thuốc tránh thai làm giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung ít nhất 30%. Nguy cơ sẽ giảm đi khi sử dụng thuốc tránh thai đường uống lâu hơn và tác dụng bảo vệ vẫn tiếp tục thậm chí nhiều năm sau khi phụ nữ ngừng dùng thuốc tránh thai đường uống.
Nguy cơ ung thư đại trực tràng giảm từ 15 đến 20% khi sử dụng thuốc tránh thai. Tuy nhiên, nguy cơ ung thư vú và ung thư cổ tử cung có thể tăng lên ở những phụ nữ dùng thuốc tránh thai đường uống.
Ra máu giữa các kỳ kinh
Mặc dù biện pháp tránh thai có nhiều lợi ích nhưng nó cũng có thể gây ra tác dụng phụ. Ra máu giữa kỳ kinh, còn được gọi là chảy máu đột ngột, thường gặp ở những người sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết.
Ra máu phổ biến hơn với các biện pháp tránh thai nội tiết tố liều cực thấp và liều thấp như vòng tránh thai nội tiết, que cấy và thuốc tránh thai.
Tránh thai cũng có thể gây ra các tác dụng phụ khác. Các tác dụng phụ về sinh sản khi cơ thể bạn đang thích nghi với các biện pháp tránh thai bằng đường uống, đặt và dán bao gồm:
- mất kinh (vô kinh) hoặc chảy máu thêm
- kích ứng âm đạo
- đau ngực
- nở ngực
- thay đổi cân nặng
Các vấn đề về tim mạch
Đối với một số phụ nữ, thuốc và miếng dán tránh thai có thể làm tăng huyết áp. Những hormone bổ sung đó cũng có thể khiến bạn có nguy cơ bị đông máu.
Những tác dụng phụ này không phổ biến ở hầu hết phụ nữ nhưng khi chúng xảy ra, chúng có thể rất nghiêm trọng. Đó là lý do tại sao các phương pháp ngừa thai bằng nội tiết cần có đơn thuốc và theo dõi định kỳ.
Tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu bạn có:
- đau ngực
- khó thở
- cơn đau đầu dữ dội đột ngột
- đau đột ngột ở lưng hoặc hàm kèm theo buồn nôn, khó thở hoặc đổ mồ hôi
Tâm trạng thất thường
Một số phụ nữ có thể bị thay đổi tâm trạng và trầm cảm khi dùng thuốc tránh thai.
Vì cơ thể hoạt động để duy trì sự cân bằng hormone nên việc đưa hormone vào cơ thể có thể gây ra sự gián đoán, dẫn đến những thay đổi trong tâm trạng. Tác dụng phụ liên quan đến tâm trạng có thể phổ biến hơn ở những phụ nữ từng trải qua giai đoạn trầm cảm.
Nhưng có rất ít nghiên cứu về ảnh hưởng sức khỏe tâm thần và thể chất của việc ngừa thai đối với phụ nữ. Chỉ gần đây, một nghiên cứu năm 2017 mới xem xét một mẫu nhỏ gồm 340 phụ nữ khỏe mạnh và phát hiện ra rằng thuốc tránh thai làm giảm đáng kể sức khỏe chung.
Chứng đau nửa đầu
Estrogen có thể làm trầm trọng thêm các cơn đau nửa đầu nếu bạn đã từng trải qua chúng. Đối với một số phụ nữ, uống thuốc tránh thai có thể giúp cải thiện các triệu chứng đau nửa đầu. Nhưng đối với những người khác, uống thuốc tránh thai có thể làm tăng nguy cơ:
- đột quỵ
- bệnh tim mạch
- huyết khối tĩnh mạch sâu
- cục máu đông
Thay đổi khẩu vị
Một số phụ nữ gặp phải những thay đổi về cảm giác thèm ăn và cân nặng khi sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết. Nhưng có rất ít nghiên cứu hoặc bằng chứng cho thấy việc ngừa thai gây tăng cân. Nghiên cứu cho thấy thuốc viên, miếng dán, vòng và dụng cụ tránh thai không có khả năng gây ra thay đổi về cân nặng.
Tuy nhiên, việc cấy que và tiêm thuốc ngừa thai có thể khiến một số người tăng cân.
Buồn nôn
Một số phụ nữ dùng biện pháp tránh thai nội tiết có thể gặp tác dụng phụ bao gồm buồn nôn và đầy hơi. Những triệu chứng này có xu hướng giảm bớt sau một vài tuần khi cơ thể bạn đã quen với lượng hormone bổ sung. Uống thuốc cùng với thức ăn có thể giúp giảm buồn nôn. Chuyển sang dùng thuốc có ít estrogen hơn cũng có thể hữu ích.
Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn bị đau dữ dội, nôn mửa hoặc vàng da và vàng mắt. Nước tiểu sẫm màu hoặc phân có màu sáng cũng có thể là dấu hiệu của các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Mụn
Đối với nhiều phụ nữ, ngừa thai có thể cải thiện tình trạng mụn.
Theo Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ, thuốc tránh thai đường uống là phương pháp điều trị hiệu quả cho:
- nốt mụn và mụn nang
- mụn đầu đen
- mụn đầu trắng
- mụn ẩn
Mặt khác, những người khác có thể bị nổi mụn hoặc không nhận thấy sự thay đổi nào cả. Cơ thể và lượng hormone của mỗi phụ nữ đều khác nhau, đó là lý do tại sao rất khó dự đoán tác dụng phụ nào sẽ xảy ra do ngừa thai.
Sự mọc tóc
Đôi khi, hormone trong biện pháp tránh thai khiến tóc mọc bất thường. Tuy nhiên, thông thường hơn, biện pháp tránh thai thực sự giúp ích cho việc mọc tóc không mong muốn. Thuốc tránh thai đường uống cũng là phương pháp điều trị chính cho chứng rậm lông, một tình trạng khiến lông cứng, sẫm màu mọc trên mặt, lưng và bụng.
Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn cảm thấy biện pháp tránh thai hiện tại không phù hợp với mình. Cởi mở và trung thực về các tác dụng phụ là bước đầu tiên để nhận được đúng liều lượng và loại bạn cần.