ĐỘNG KINH

Động kinh là một bệnh mạn tính không lây ở não, ảnh hưởng đến khoảng 50 triệu người trên toàn thế giới. Nó được đặc trưng bởi các cơn co giật tái phát, được mô tả là những vận động ngắn, không chủ ý, có thể liên quan đến một phần cơ thể (co giật cục bộ) hoặc toàn bộ cơ thể (co giật toàn thể) và đôi khi đi kèm với mất ý thức và mất kiểm soát chức năng ruột hoặc bàng quang.

Các cơn co giật là kết quả của sự phóng điện quá mức trong một nhóm tế bào não. Các vùng não khác nhau có thể là nơi xuất hiện những sự phóng điện như vậy. Các cơn có giật có thể khác nhau, từ mất ý thức hoặc rung giật cơ trong thời gian ngắn nhất đến co giật nghiêm trọng và kéo dài. Các cơn co giật cũng có tần suất khác nhau, từ ít hơn một lần mỗi năm đến nhiều lần mỗi ngày.

Một cơn co giật không biểu thị bệnh động kinh (có tới 10% số người trên toàn thế giới bị một cơn co giật trong đời). Động kinh được định nghĩa là có hai hoặc nhiều cơn co giật không có nguyên nhân thúc đẩy. Động kinh là một trong những căn bệnh được công nhận lâu đời nhất trên thế giới, với các ghi chép bằng văn bản có từ năm 4000 trước Công nguyên. Sự sợ hãi, hiểu lầm, phân biệt đối xử và kỳ thị của xã hội đã vây quanh chứng động kinh trong nhiều thế kỷ. Ngày nay, sự kỳ thị này vẫn tiếp diễn ở nhiều quốc gia và có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của những người mắc bệnh và gia đình họ.

Dấu hiệu và triệu chứng

Các đặc điểm của cơn co giật khác nhau và phụ thuộc vào vùng não bộ bị rối loạn đầu tiên và mức độ lan rộng của nó. Các triệu chứng tạm thời xảy ra, chẳng hạn như mất ý thức, rối loạn vận động, cảm giác (bao gồm thị giác, thính giác và vị giác), tâm trạng hoặc các chức năng nhận thức khác.

Những người bị động kinh có xu hướng gặp nhiều vấn đề về thể chất hơn (chẳng hạn như gãy xương và bầm tím do chấn thương liên quan đến co giật), cũng như tỷ lệ mắc các bệnh tâm lý cao hơn, bao gồm lo lắng và trầm cảm. Tương tự, nguy cơ tử vong sớm ở những người mắc bệnh động kinh cao gấp ba lần so với dân số nói chung, với tỷ lệ tử vong sớm cao nhất ở các nước thu nhập thấp và trung bình cũng như ở khu vực nông thôn. Một tỷ lệ lớn các nguyên nhân tử vong liên quan đến bệnh động kinh, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình, đều có khả năng phòng ngừa được, chẳng hạn như té ngã, đuối nước, bỏng và co giật kéo dài.

Tỉ lệ mắc bệnh

Bệnh động kinh chiếm một tỷ lệ đáng kể trong gánh nặng bệnh tật của thế giới, ảnh hưởng đến khoảng 50 triệu người trên toàn thế giới. Tỷ lệ ước tính của dân số nói chung mắc bệnh động kinh đang hoạt động (tức là tiếp tục co giật hoặc cần điều trị) tại một thời điểm nhất định là từ 4 đến 10 trên 1000 người.

Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 5 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh động kinh mỗi năm. Ở các nước có thu nhập cao, ước tính có 49 trên 100.000 người được chẩn đoán mắc bệnh động kinh mỗi năm. Ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, con số này có thể lên tới 139 trên 100.000. Điều này có thể là do nguy cơ mắc các bệnh lưu hành như sốt rét hoặc bệnh nhiễm ấu trùng sán lợn ở não tăng lên; tỷ lệ tai nạn giao thông đường bộ cao hơn; chấn thương liên quan đến sinh nở; và sự khác biệt về cơ sở hạ tầng y tế, sự sẵn có của các chương trình y tế dự phòng và dịch vụ chăm sóc dễ tiếp cận. Gần 80% số người mắc bệnh động kinh sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Nguyên nhân

Động kinh là một bệnh không lây nhiễm. Mặc dù có nhiều cơ chế bệnh lý tiềm ẩn có thể dẫn đến bệnh động kinh nhưng nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được biết rõ trong khoảng 50% trường hợp trên toàn cầu. Nguyên nhân của bệnh động kinh được chia thành các loại sau: cấu trúc, di truyền, nhiễm trùng, chuyển hóa, miễn dịch và chưa rõ. Những ví dụ bao gồm:

    • tổn thương não do nguyên nhân trước khi sinh hoặc chu sinh (ví dụ: thiếu oxy hoặc chấn thương khi sinh, cân nặng lúc sinh thất);
    • bất thường bẩm sinh hoặc tình trạng di truyền có liên quan đến dị tật não;
    • chấn thương đầu nặng;
    • đột quỵ, một tình trạng thiếu oxy lên não;
    • nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương như viêm màng não, viêm não hoặc bệnh nhiễm ấu trùng sán lợn ở não,
    • bệnh di truyền;
    • u não.

Điều trị

Co giật có thể được kiểm soát. Có tới 70% số người mắc bệnh động kinh có thể hết co giật nếu sử dụng thuốc chống động kinh thích hợp. Việc ngừng thuốc có thể được cân nhắc sau 2 năm không bị co giật và cần tính đến các yếu tố lâm sàng, xã hội và cá nhân có liên quan. Nguyên nhân được ghi nhận của cơn co giật và kết quả điện não đồ bất thường (EEG) là hai yếu tố dự báo tốt nhất về sự tái phát cơn động kinh.

Ở các nước có thu nhập thấp, khoảng 3/4 số người mắc bệnh động kinh được điều trị phù hợp. Đây được gọi là “khoảng trống điều trị”. Ở nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, thuốc chống động kinh có sẵn rất ít. Một nghiên cứu gần đây cho thấy mức độ sẵn có trung bình của các loại thuốc chống động kinh ở các nước thu nhập thấp và trung bình là dưới 50%. Điều này có thể xem như một rào cản trong việc tiếp cận điều trị. Có thể chẩn đoán và điều trị hầu hết những người mắc bệnh động kinh ở tuyến y tế cơ sở mà không cần sử dụng các thiết bị phức tạp.
Các dự án thí điểm của WHO đã chỉ ra rằng việc đào tạo các nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu để chẩn đoán và điều trị bệnh động kinh có thể làm giảm khoảng cách điều trị bệnh động kinh một cách hiệu quả.
Phẫu thuật có thể có lợi cho những bệnh nhân đáp ứng kém với điều trị bằng thuốc.

Phòng ngừa

Ước tính có khoảng 25% trường hợp động kinh có khả năng phòng ngừa được.

    • Ngăn ngừa chấn thương đầu, ví dụ bằng cách giảm té ngã, tai nạn giao thông và chấn thương thể thao, là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa chứng động kinh sau chấn thương.
    • Chăm sóc chu sinh đầy đủ có thể làm giảm các trường hợp động kinh mới do chấn thương khi sinh.
    • Việc sử dụng thuốc và các phương pháp khác để hạ nhiệt độ cơ thể ở trẻ đang sốt có thể làm giảm nguy cơ bị co giật do sốt.
    • Việc phòng ngừa bệnh động kinh liên quan đến đột quỵ tập trung vào việc giảm yếu tố nguy cơ tim mạch, ví dụ: các biện pháp ngăn ngừa hoặc kiểm soát huyết áp cao, tiểu đường và béo phì, tránh hút thuốc lá và sử dụng rượu quá mức.
    • Nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh động kinh ở các vùng nhiệt đới, nơi tập trung nhiều nước có thu nhập thấp và trung bình. Việc loại bỏ ký sinh trùng trong những môi trường này và giáo dục cách tránh nhiễm trùng được xem là những cách hiệu quả để giảm bệnh động kinh trên toàn thế giới, ví dụ như những trường hợp bệnh do sán dải lợn.

Ảnh hưởng về kinh tế và xã hội

Bệnh động kinh chiếm hơn 0,5% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Bệnh động kinh có ý nghĩa kinh tế đáng kể về mặt nhu cầu chăm sóc sức khỏe, tử vong sớm và mất khả năng lao động.

Chi phí tự chi trả và tổn thất lao động có thể tạo ra gánh nặng đáng kể cho các hộ gia đình. Một nghiên cứu kinh tế từ Ấn Độ ước tính rằng tài chính công cho cả liệu pháp điều trị bậc một và bậc hai cũng như các chi phí y tế khác làm giảm bớt gánh nặng tài chính do bệnh động kinh và mang lại hiệu quả về mặt kinh tế.

Sự kỳ thị và phân biệt đối xử xung quanh bệnh động kinh trên toàn thế giới thường khó vượt qua hơn chính cơn động kinh. Những người mắc bệnh động kinh và gia đình họ có thể là đối tượng của thành kiến. Những lầm tưởng phổ biến cho rằng bệnh động kinh là không thể chữa khỏi, hay lây lan, hoặc là kết quả của hành vi xấu về mặt đạo đức có thể khiến mọi người bị cô lập và ngăn cản họ tìm cách điều trị.

Quyền con người

Những người mắc bệnh động kinh có thể bị giảm khả năng tiếp cận các cơ hội giáo dục, bị từ chối cơ hội lấy bằng lái xe, rào cản tham gia các ngành nghề cụ thể và giảm khả năng tiếp cận bảo hiểm y tế và xã hội. Ở nhiều quốc gia, luật pháp phản ánh sự hiểu lầm hàng thế kỷ về bệnh động kinh, chẳng hạn như luật cho phép hủy hôn vì lý do động kinh và luật từ chối những người bị động kinh được vào nhà hàng, rạp hát, trung tâm giải trí và các tòa nhà công cộng khác.

Pháp luật dựa trên các tiêu chuẩn nhân quyền được quốc tế chấp nhận có thể ngăn chặn sự phân biệt đối xử và vi phạm nhân quyền, cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người mắc bệnh động kinh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *